Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

* ĂN TRẮNG MẶC TRƠN

                 Sách "Tào Lao Gà" tải miễn phí Tại đây          

        
            
Bữa cơm sau khi ĂN Tết Nhâm Thìn. Không Giò chả, thịt gà, bánh trưng.
Cơm gồm: Cá sốt còn ại toàn rau: cần xào, rưa cải muối lấy chấm nước mắm tỏi, táo, bưởi đóng miệng...
                                                                                            
Vẫn biết ở Nước Nam ta không chỉ cái gì cũng ăn mà cái gì không ăn là không xong, thế mà khi mở cuốn Từ điển Tiếng Việt vẫn giật mình thấy từ “ĂN” được sử dụng nhiều hơn ta tưởng.
Ngoài cái việc ăn cơm, ăn cháo ra thì còn có cả “Ăn nhậu”, “Ăn vã”, “Ăn xổi”,  “Ăn rở”, “Ăn tạp”, "Ăn ghém", “Ăn thuốc”…Những thứ này dù sao xa gần vẫn còn dính dáng đến “Ăn hút”. Tuy nhiên, dân Việt mình còn “ăn” nhiều thứ chẳng lằng nhằng liên quan gì đến cơm, thuốc. Đấy là lúc người ta dành dụm tiền để “Ăn mặc”, “Ăn học”. Lớn lên thì nai lưng "Ăn đấu làm khoán" để có chút tiền còi cho“Ăn hỏi” cưới vợ. Thành đạt rồi thì “Ăn mừng", “Ăn diện”, “Ăn chơi”. Nổi tiếng rồi thì “Ăn khách”, “Ăn không ngồi rồi”. Khi tư cách biến chất sinh “Ăn xổi”, “Ăn mảnh”, “Ăn cánh”, “Ăn trên ngồi trốc”, “Ăn không, nói có”, “Ăn thua”, “Ăn hiếp”, “Ăn quỵt”, “Ăn đơm nói đặt”, “Ăn cháo, đái bát”, “Ăn chặn”, “Ăn hối lội”, “Ăn cắp”; “Ăn trộm”, “Ăn cướp”. Đến khi sa cơ lỡ vận, lụn bại tất lâm cảnh "Ăn hại", “Ăn đòn”, “Ăn bờ, ở bụi”, “Ăn mày” và nhiều kẻ “Ăn giun, ăn dế”.
“Ăn” kiểu vậy thì đã là mênh mông khó kiểm nhưng đến khi bảo “Ăn ảnh”, "Ăn thua", "Ăn giải", “Ăn hoa hồng”, hay "Ăn đạn", “Ăn sương”, “Ăn chân/Ăn tay”, Ăn tươi, nuốt sống”…  thì quả là cái gì dân Việt cũng quy ra “đánh chén” cả.
Đã hết đâu. Phải đến đỉnh cao “Ăn nằm”, thì ôi thôi, mới gọi là thảm!!!
Thảm vì hoặc là dân Việt mình quá hồn nhiên hoặc quá…xôi thịt. Thảm vì có người bảo làm tình mà cũng chỉ quy ra miếng đớp thì chuyện này có vẻ hao hao giống phim con heo...ăn cám!
Lại nhớ một nhà văn No.1 Việt Nam đương đại than thở trong một bài phỏng vấn đại ý rằng khi ra nước ngoài, tiếp xúc với văn minh mới vỡ lẽ ra rằng ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa biết ngủ với vợ sao cho phải vì chỉ biết ăn mỗi kiểu “mắm cáy, dùi đục”.
Còn tuần trước đọc lại Nam Cao, nhà văn No.1 Việt Nam quá cố ta thấy câu: “Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết thì liếm lá dọc đường” (Từ ngày mẹ chết). Hầu hết các tác phẩm của nhà văn yểu mệnh này đều thấm đượm chuyện “ăn no, nhịn đói”.
Chuyện đói ăn và thi ca nước nhà đã được diễn tả trong bài “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, cuốn Tào Lao Gà: “Khó thấy nơi nào trên trái đất này mà ăn uống, đánh chén lại để lại dấu ấn sâu đậm trong thi ca như ở Nước Nam ta. Giở một cuốn ca dao bất kỳ bạn sẽ thấy đến non nửa số bài nói đến "Ăn", "Đói", "Thịt mỡ", ”Dưa hành", "Râu tôm", "Trứng bóc"...Kỳ lạ là hầu hết những dạy dỗ về đạo đức và xử thế của các cụ nhà ta đều loanh quanh hoặc liên đới tới cái dạ dày kiểu như Ăn trông nồiĂn chắc, mặc bềnMiếng ăn là miếng…”.
Khi bà giúp việc quê Thái Bình thanh minh việc muối trứng hỏng bằng câu: “Ngon thịt chuột, mát ruột trứng ung” thì ta ngộ ra rằng việc ăn, uống, chấm, mút đã ngấm sâu đậm đến thế nào trong ngôn ngữ, thi ca nước nhà và nó cũng phần nào trả lời cho thắc mắc “Sao ăn nhiều thế?” của ta.
Biết sao đây, khi mà giấc mơ cháy bỏng của nhiều thế hệ Việt chỉ là một bữa cỗ “giò cắn ngập răng, mỡ nhờn môi” thì thứ ngôn từ “đánh chén” la liệt trong nói và viết là chuyên đương nhiên.
Một trang viết nghiệp dư chắc chắn còn quá sơ sài đối với chủ đề ăn của lời ăn, tiếng nói Việt. Đành an ủi nếu bạn đọc phát hiện bài viết ăn chưa hết thì xin mời cứ việc tự mình ăn nốt.

Đỗ Huân
Gà viết sách Gà.
Xem thêm các món ăn dân dã, tự chế ở http://www.caphao.blogspot.com/  và www.occhuoidau/blogspot.com