Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

* HOÀNG YẾN RUNG RINH



Hoàng Yến biết mình là chim quí. Quí ở vóc dáng mảnh mai với bộ cánh vàng xốn xang. Quí ở giọng hót dài, nhẩn nha du dương xứng danh "Ca sỹ của phòng khách". Trong giới cầm ca chỉ có họa mi "Ca sỹ của rừng xanh" mới xứng là đối thủ của Yến. Mà nếu không quí thì sao ông chủ lại phải chăm bẵm Yến kỹ càng đến vậy: nào là đồ ăn, thức uống, đu quay... nào là mai mực cho Yến mài mỏ.
Yến hài lòng với cuộc sống nhàn tản đài các cho đến ngày kia có lũ chim trời bay qua cửa sổ nơi Yến véo von. Chúng sà xuống và nhao nhao chế nhạo.
Chim Sâu cất lời: “Công nhận bộ cánh long lanh. Nhưng xiêm y đẹp để mà làm gì khi lão chủ cho cám được cám, cho sâu được sâu, bắt nhịn là meo bụng ngáp ruồi”.
Đến bọn Chim Sẻ xấu xí cũng phụ họa: “Hoàng Yến hót hay như thể không bị giam cầm trong cái lồng chật hẹp. Đây còn không biết đằng ấy có biết bay hay không!”.
Còn mấy tay Chào Mào đít đỏ kiêu căng thì ngiêng đầu từ xa xỏ xiên:Đây cá Tự do là thứ xa xỉ nhất mà công nương Hoàng Yến chưa bao giờ nếm trải”.
Chúng hò hét, bĩnh tòe loe khắp nơi rồi cười khành khạch bỏ đi. Sau ngày hôm đó Yến suy nghĩ lắm. Không chỉ nghĩ ngợi lung mung Yến còn ngắm nhìn cuộc đời qua trấn song nơi sáng chiều các gia đình chim ríu rít làm tổ, kiếm mồi, đùa nghịch và vút bay hào sảng trong không trung. Tưởng êm ấm đủ đường nay Yến hiểu rằng mình không có nhiều thứ: không gia đình, không bạn bè và chắc chắn là không có Tự do. Cái tự do “bay” trong không gian mỗi chiều 30 cm làm Yến buồn. “Tự do” được Yến lẩm bẩm  ngày này qua ngày khác đến độ Yến sinh biếng ăn, lười uống. Rồi cái sự lẩm bẩm cứ lớn dần thành mong muốn được sờ mó, được vùng vẫy trong tự do. Cho đến một hôm có con Sáo Sậu bay qua bảo rằng: “Nhờ tự do chúng tôi đây đều sống vui, sống khỏe, sống có ích cả. Nào có ai phàn nàn tự do. Hãy đến với tự do! Đằng ấy còn chờ gì nữa!” thì Yến quyết định phải giành lấy tự do của mình.
Sáng hôm sau khi cửa lồng vừa hé mở Yến đã lao vút như tên bắn vào không trung trong tiếng hò reo cổ vũ của bầy chim quanh vùng và sự sững sờ của ông chủ. Yến hướng tới vùng cây cối xanh um rộn tiếng chim nơi mà cả tháng nay ngày nào nàng cũng dõi theo mơ mộng. Nhưng rồi ngay lập tức Yến thấy chơi vơi, hụt hẫng rồi choáng váng. Càng vẫy cánh Yến càng loạng choạng và càng không thể cất nổi thân mình. Yến hét lên hốt hoảng trong khi đám chim đủ loại nháo nhác không thể giúp gì. Nàng chao đảo và rơi bổ xuống sân thượng một ngôi nhà.
Tiếng hét của Hoàng Yến và tiếng động trên nóc nhà là tiếng mời gọi không thể mặn mà hơn đối với lão Mèo Già đang lim dim gần đó. Lão nhảy phắt lên nóc nhà. Cũng may là Yến đã kịp dướn sức bay vội lên cột anten TV. Chưa bao giờ Yến giáp mặt mèo gần đến vậy. Tim Yến đập như muốn vỡ tung lồng ngực.
- Meo... Sợ gì! Ta đâu có ăn thịt cô em – Mèo chậm rãi.
- Tin sao được bác, sách bảo vồ chim là thú vui tuyệt đỉnh của mèo.
- Không sai! Nhưng sách vở của cô em chỉ biết một mà không biết mười. Ngày xưa khi đầy đủ nanh vuốt quả là ta đắm đuối rình chim. Nhưng nay ta đã già yếu, răng rụng gần hết, chỉ ăn toàn đậu phụ và cháo loãng vậy còn thiết gì.
- Nhưng sách lại bảo: “Đừng tin mèo già nói.  Hãy xem mèo già làm,”. Bác há mồm xem thử!
- Này thì há. Mèo ngoác mồm đỏ lòm, chỉ lưa thưa vài cái răng phều phào. Yên tâm hả? Nếu tin rồi thì xuống đây. Ta nặng tai, còn cô em lại đậu cao vòi vọi, vừa khó nghe vừa mỏi cổ.
Hoàng Yến phần nào yên tâm nhưng nàng còn do dự lắm.
- Tùy nhé,  hỏi gì thì hỏi, đằng nào ta cũng sưởi nắng ở đây. Cẩn thận kẻo thằng mèo mướp càn quấn, nanh nhọn mắt tinh vồ mất mạng. À mà ta bảo, cô em định bay vượt qua vườn cây bên chùa đúng không? Hê hê...mẽ cô cả đời bay trong lồng chật, chân yếu, cánh đơ rơi xuống nóc nhà này còn là may nếu không thì đã đâm bổ xuống đất, không tan xương thì cũng nát thịt bởi đám vện trong làng. Sướng mà không biết đường. Tìm cách mà về với lão chủ đi. Đừng nghe lũ chim tự do nó hót. Lũ đó ngày nào ta chẳng xơi vài đứa, à quên, đấy là ta nói hồi còn trai tráng – Mèo Già đổi tư thế nằm, mắt lim dim hiêng hiếng, đầu vùi vào hai chân trước ra điều không buồn nói tiếp.
Đậu rung rinh cả tiếng trên cột nên Hoàng Yến bắt đầu cảm thấy run chân. Bộ cánh vàng rói bắt nắng làm nàng thấy hâm hấp mồ hôi. Nàng hiểu mình không đủ sức để bay tới vườn Tự do và lũ chim lắm mồm cũng không thể nâng cánh đỡ nàng. Dưới kia lại còn lão Mèo Già. Nhưng biết bay đâu bây giờ. Rồi nàng thấy cồn cào. Giờ này nhẽ ra nàng đã no nê món kê thơm phức ăn cùng sâu sạch trộn rau diếp thái nhỏ và đang vầy nước mát lạnh trong lồng. Nàng ngước nhìn ngôi nhà 3 tầng xa xa, nơi đong đưa cái lồng nàng đã gắn bó mấy năm. "Làm sao mình có thể quay về nơi xa vời đó?"
- Này cô em! Nếu bay nổi về với lão chủ thì bay đi kẻo trưa nắng vỡ đầu, bằng không thì xuống đây ta dẫn đường luồn lách mà bay về nhà – Như đọc được ý nghĩ của Yến, Mèo Già thủ thỉ.
- Vậy bác sẽ giúp em?
- Chớ nhiều lời. Ta đang hứng giúp kẻ sa cơ. Ta có hẹn, nhanh nhanh kẻo lại hối không kịp.
 Đâu đó lũ chim líu ríu can ngăn Yến nhưng sự tình đã quá muộn. Khi Yến vừa chạm chân xuống sàn cũng là lúc mèo già vồ gọn Yến. Nó cười khùng khục trong khi Yến run bần bật.
- Ngạc nhiên hả? Mèo không răng! Ha ha....Ôi, buồn cười quá! Chỉ có cô em là không biết ta đã sắm răng giả từ lâu. Giả nhưng bằng thép thật.  Chim Cu, Chim Gáy ta còn chén  huống chi Hoàng Yến, chim Các Cụ - Vừa nói Mèo vừa móc ở đâu đó bộ răng giả nhọn hoắt sáng loáng. Yến nghĩ: “Thôi! Đời ta thế là xong. Chỉ tại Tự do” . Nhưng rồi có gì đó loé lên trong đầu nàng. "Ca sỹ của phòng khách" Hoàng Yến chợt nhớ lại những mưu mẹo đối nhân xử thế mà nàng thường nghe lỏm được của ông chủ cán bộ tổ chức và đám bạn. Nàng ngẩng đầu, hàng mi chớp chớp nhìn Mèo:
- Chết trong tay anh hùng cũng đáng. “Chim sắp chết kêu thương”. Em muốn nói với bác lời cuối cùng.
- Trăng trối hả?
- Không, em tình cờ nghe lỏm được thằng mèo mướp chê bác xấu trai lại bất tài.
- Thằng đấy sao dám? Vậy nó bảo sao?
- Bác lỏng tay em nhờ và dí sát tai vào đây kẻo lời lẽ quá sâu cay của nó lại lan ra khắp vùng Võng Thị.
Khi Mèo Già sốt sắng dí Yến lên tai, cô nàng dướn toàn thân mổ một nhát rõ mạnh vào mắt mèo. Mèo bị đau bất ngờ, buông móng để vuột mất Hoàng Yến.
Thoát nạn, Hoàng Yến chẳng còn để ý tới Mèo Già đang gầm gừ dưới chân cột. Nàng cũng không còn vương vấn cái vườn cây xa xăm rộn tiếng chim. “Tự do quá sức ta. Nếu không cố mà bay về nhà coi như ta sẽ mất tiêu trong thế giới tự do này. Bay hay là chết?!”. Cô nàng lẩm bẩm rồi nhún chân lấy đà, vỗ đôi cánh yếu ớt,  hướng ngôi nhà 3 tầng vút bay.
     Căng mắt dõi theo nàng là đủ loại chó mèo và rất nhiều chim.

                                                                                              Đỗ Huân  - 7.2011

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

* TAI NGHE TỰ LUYỆN

                                                                                                                   Tặng G.WSP

Vì gà không để đâu cho hết nên mãi gần đây bà con nói chung mới biết thế nào là “Burn in tai nghe”.
“Burn in tai nghe” hay “Rà tai nghe” hoặc “Tai nghe tự luyện” chính là thủ thuật làm cho gân cốt màng loa tai nghe mềm mại bằng cách cho nó “nghe luyện” âm nhạc cỡ khoảng 100-200 giờ. Trong thời gian luyện tập có người thích đeo tai nghe để được cảm nhận từ từ sự thay đổi của người bạn chuyên thủ thỉ. Cũng có người quyết không nghe dù chỉ một lần vì muốn đợi đến cùng sự hoàn hảo. Tai nghe được luyện kỹ sẽ trở nên uyển chuyển và trung thực thể hiện mọi cung bậc của âm thanh. Tai nghe càng tinh vi đắt tiền thì việc “tự luyện” càng được khuyến cáo. Điều này cũng hợp lý thôi vì một tai nghe loàng xoàng, nguồn gốc và tư chất tăm tối thì dù có luyện kiểu gì thì nó không cất lời một cách ngỗ ngược đã được coi là may mắn.
Anh bạn tên Giăng vốn mê mệt công nghệ âm thanh cao cấp. Tuy đã sở hữu cả chục cặp tai nghe khác nhau nhưng khi vừa nghe thấy cuộc đời chào mời bộ headphone “chỉ dành cho tay chơi chính hiệu” là anh đã lao ra cửa hàng.
Bộ tai nghe cốt cách Châu Âu làm anh say đắm từ cái nhìn đầu tiên: dáng khôn, mặt đẹp, thanh thoát mà đanh thép, đơn giản mà quý phái. Tiếng của nó thì thôi rồi: lanh canh, lao xao, lào phào, lảnh lói, nó chẳng bỏ sót gì, vừa đầy đặn vừa tinh tế. “Tiềm năng thế này mà thêm burn in thì rồi ta sẽ có một tuyệt kỹ âm thanh” – Giăng sung sướng nhủ thầm và xuống tiền không do dự dù cho nó đắt gấp 10 lần tai nghe bình dân.
Để có đủ 200 giờ tinh luyện, hàng ngày Giăng đến văn phòng thật sớm để khởi động máy tính cho tai nghe. Hồi hộp chờ đợi cả tháng trời khiến anh biếng ăn, kém ngủ. Cũng vài lần sốt ruột Giăng định nhổ tai nghe thử nhưng rồi lại dằn lòng: “Hãy kiên nhẫn! Một lần cho mãi mãi. Rồi sẽ đến ngày bạn ta đắc đạo”
Tháng trời đằng đẵng trôi qua. Đúng ngày, đúng giờ, Giăng sốt sắng cắm tai nghe vào chiếc Ipod thường dùng. Anh nín thở. Nhạc nổi lên rồi…Tim Giăng như ngừng đập…Trời ơi! Sao thế này! Anh không tin vào đôi tai của mình! Vẫn bản “Walking on the moon” của Sting vốn phiêu diêu, nồng nàn đậm chất Jazz mọi ngày mà giờ sao nghe luyến láy, thê lương đến vậy. Tiếng hát lèo xèo còn trống phách thì tắc bọp, nghe lèng phèng xập xệ. Chỉnh máy, lay jắc cắm, thay cả máy nghe nhạc cũng không hơn gì. Đêm đó Giăng trằn trọc…
Sáng ra anh lao đến văn phòng từ tờ mờ sáng, bật máy và cắm tai nghe để nghe lại bài luyện. Cái tai nghe như chỉ đợi có vậy. Một giọng ca tài tử lâm ly vút lên, thống thiết lời ca, tưng tửng tiếng đờn như hiển hiện đâu đây người nghệ sĩ miệt vườn tóc dài, mắt sáng, cổ cò ngân giọng cùng tiếng đàn thổn thức héo ruột héo gan. Giăng giật mình. Ở đâu ra bản đờn ca này trong máy anh? Thôi chết rồi! Tháng trước anh cho mấy tay cán bộ miền Tây Nam Bộ ra họp sử dụng máy tính của mình. Rõ là anh đã tình cờ bắt tai nghe luyện cả tháng trời bản đờn ca này nên giờ nó đã thấm vão từng “đường gân, thớ thịt” của người bạn trẻ đầy nhiệt huyết mới bước vào nghiệp cầm ca. Nó ngấm sâu tới mức định hình luôn phong cách bạn anh. Nó khiến cho người bạn đắt tiền và chan chứa hy vọng của anh cất lời một cách bản năng khi vừa gặp đờn ca tài tử nhưng lại thờ ơ trước các âm nhạc khác.
Giăng rầu rĩ rút tai nghe khỏi máy. Giọng ca tài tử òa ra khắp phòng. Đúng đoạn “đổ” mùi mẫm nhất làm ngơ ngác cả văn phòng: “Ới anh ơi, ngày mai anh đi rồi thì hồn tử sĩ gió ù ù thổi…tang tang, tính tính, tang tính tình…”
                                                                             Đỗ Huân  - 4.2011

* THUỐC TỄ LÀ DỄ UNG THƯ

Thời nay ra ngõ gặp…bệnh gan. Con bệnh nhiều đến mức, đôi khi, nếu ai đó có bảo mình bị xơ gan cổ chướng thì người xung quanh vẫn phẩy tay: “Ăn nhằm gì! Yên tâm mà vui sống!”

Tiều cũng gan, bụng to như bà chửa. Có bệnh vái tứ phương nên Tiều uống đủ loại thuốc mọi người mách bảo: từ thuốc Tây trăm ngàn đồng một viên đến các loại thuốc Ta hoa lá củ cành phơi cùng rơm rạ. Đủ cách mà bệnh Tiều không chuyển cho đến một ngày có người mách Tiều thuốc lá của người dân tộc. Thuốc dặt cỏ với cỏ và chỉ cần bỏ nồi đun sôi uống thay nước. Kỳ lạ là sau khi uống hết ba bao tải 60 ngàn đồng, bụng Tiều xẹp dần, người thấy nhẹ nhõm, mắt bớt mọng, ăn được, đọc báo không thấy rơi.

Tiều phấn khởi lắm và nghĩ ngay tới hai ông bạn quí cùng nhiễm gan giống mình. Hôm lấy thuốc, tiện xe Tiều không quên lấy cho mỗi ông bạn một bao tải. Điều thần kỳ là chưa uống xong bao tải, cả hai ông đều thấy “trong người khang khác. Có vẻ khả quan”. Tiều sướng lâng lâng vì chẳng mấy khi giúp được bạn bè chuyện gì. Tiều nhắc máy gọi điện cho “đại lý” hẹn ngày lấy mẻ thuốc sau. Đầu dây bên kia nhà thuốc người Mường cất giọng:
- Có tiến triển tốt không?
- Không thể tốt hơn!
- Thế bác có trộn đều hai bao tải trước khi uống? Hai thứ lá đấy nếu để riêng là độc lắm đấy!

Tiều choáng như điện giật. Tiều đã quên lời dặn của thầy lang khi nhận hai bao thuốc thửa. Tiều đã hào sảng và nhanh nhẩu gửi cho mỗi ông một bao tải mà quên không trộn chúng. “Biết làm sao bây giờ?... Ta đúng là đồ...”.

Đêm trằn trọc. Trong giấc ngủ chập chờn Tiều chiêm bao thấy hai ông bạn mỗi người ôm một ấm tích thuốc to như bồ đựng thóc. Cả hai đều ngậm vòi, vừa tha thiết nhìn nhau vừa thi nhau mút. Rồi Tiều thấy bụng hai ông bạn cứ to dần, to dần…và rồi cả hai bỗng nổ cái đùng! Tan như xác pháo. Tiều choàng tỉnh, mồ hôi như tắm: “Trời! Liệu có nên thông báo?...Đằng nào thì cũng đã uống hết rồi...Thấy trong người khang khác là triệu chứng gì đây?...Lạy trời!...”
                                                                                                                                                                   Đỗ Huân  - 6.2011
               

* CÚC QUẦN ANH QUÊN

                                                                             


Tiều bỗng giở chứng hay quên. Có người ngoại tỉnh hỏi đường đến Bệnh viện Mắt. Tiều hào sảng bảo đi theo xe mình và dẫn họ tới Bệnh viện…Răng Hàm Mặt. Đến nơi Tiều biết mình nhầm nên đành xin lỗi. Viện Mắt ở Phố Bà Triệu, còn Viện “Mặt” ở tận phố Tràng Thi - Hai phía khác nhau của Hà Nội. Tiều nhầm, quên mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi:
Tiều gọi nhầm tên vợ Sếp thành tên cô thư ký…
Tiều đến siêu thị và chợt quên vợ dặn mua gì…
Tiều hứa nhưng rồi quên dự đám cưới con thằng hàng xóm sát vách…
Tóm lại, danh sách quên của Tiều dài thê thảm. Tiều tặc lưỡi: “U60 rồi còn gì, ở quê mình đã ngồi chiếu trên tranh miếng phao câu với các cụ!”
Nhưng đến hôm qua thì Tiều lo. Có người hỏi ngày sinh con gái Tiều, đần mặt hồi lâu Tiều mới nhớ ra. Tệ nhất là con gái Tiều và lũ bạn đều chăm chú nhìn Tiều chờ đợi.
Tiều đến gặp ông bạn, một cao thủ về tâm lý trị liệu để xin lời khuyên. Ông bạn hỏi:
-          Có phải thấy mặt người ta mà ông không thể nhớ tên?
-          Đúng!
-          Thế thì ông quên ở cấp độ 1.
-          Ừ, cấp độ 1.
-          Có phải ông hay quên mang theo kính lão?
-          Đúng!
-          Thế thì ông quên ở cấp độ 2.
-          Ừ, cấp độ 2.
-          Hỏi thật ông có bao giờ ông quên cài cúc quần sau khi đ.ái?
-          Vài lần.
-          Sau đó ông sực nhớ cài lại hay quên luôn?
-          Quên luôn. Lại có lần vẫn nguyên hiện trạng phát biểu duyên dáng ở hội nghị khách hàng.
-          Thế thì trí nhớ của ông rõ là có vấn đề. Ông quên ở cấp độ 3 mất rồi - Ông bạn tâm lý thở dài.
-          Ừ, cấp độ 3.
-          Nhưng chưa mất hết hy vọng đâu vì chắc ông chưa tới cấp độ 4.
-          Vậy cấp 4 là quên kiểu gì?
-          Nếu cấp 3 là đ.ái không cài cúc quần thì cấp độ 4 là không mở cúc quần vẫn đ.ái. Lúc đó là vô phương đấy.
Tiều giật mình. Vì trí nhớ dạo này có vấn đề nên thực ra Tiều không chắc có lần nào mình đã “tè” mà quên mở cúc quần hay chưa.

                                                                                     Đỗ Huân  - 5.2011