Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

* THỦ ĐÔ PHONG ĐIỆN***

Sách "Tào Lao Gà" tải miễn phí Tại đây         
                                                                                                                                         


Thủ Đô Rồng vừa soán ngôi phong điện của tỉnh Minh Thuận. Nếu phong điện Minh Thuận nhờ gió biển, đồi cát thì phong điện Rồng Bay nhờ gió…“chém”.
Báo cáo Nghiên cứu khả thi mới nhất của tập đoàn Tư vấn điện gió danh tiếng toàn cầu Deutschland Wind Electric, cho hay tiềm năng điện “chém gió” của đất Rồng lên tới 100 triệu MW tức là bằng điện nhờ gió, nhờ than, nhờ nước, nhờ mặt trời và nhờ cả nguyên tử của cả xứ Nam Viên cộng lại.
Kết quả phân tích của các chuyên gia đầu ngành cho ta một bức tranh toàn cảnh thật lạc quan về điện chém gió Thủ Đô:
70 % tiềm năng điện nhờ gió chém từ các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trên đất Rồng. Tiềm năng khủng khiếp này có được nhờ sức chém gió phi thường và dẻo dai của các diễn giả “Ăn như Rồng cuốn, nói tựa Rồng leo” luôn coi việc “hô phong, hoán vũ” là sự nghiệp để đời.
30% tiềm năng còn lại được chia đều cho hai đối tượng lìu tìu chẳng liên quan gì tới nhau: 15% nhờ gió chém tả tơi từ các giảng đường và 15% gom góp từ gió chém ầm ầm ở các quán bia, quán rượu đất Rồng thiêng.
Báo cáo còn đưa ra “Bản đồ phân bố tiềm năng điện chém gió” của thành phố Rồng Bay. Nhìn bản đồ ta chắc New YorkMoscow cũng phải nổi cơn ghen tỵ. Thủ Đô hiện ra đỏ lòe với dày đặc các chấm đỏ như vẩy rồng đánh dấu tiềm năng phong điện. Những điểm nhấn đáng nể phải kể đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cung Hữu Nghị, Phủ Toàn quyền, Văn phòng Nội các, Hội trường Nghị viện.
Tóm lại, tiềm năng điện chém gió là cực lớn. Lớn tới mức trong báo cáo tuyệt mật mới bị tiết lộ của một tình báo công nghiệp IsraeM gửi chính phủ có đoạn: “Chém gió là một phần máu thịt của dân chúng xứ này. Từ lãnh tụ đến dân chúng không ai là không có tiềm năng chém gió, không ai là không miệt mài thực hành chém gió hàng ngày. Bất cứ đâu, ở đại hội lung linh thủ đô hay quán nước đìu hiu ven đường, ta đều gặp gió chém ầm ầm. Tiềm năng là vô tận. Cơ hội đầu tư là vô biên”
Nhận thức được tầm quan trọng có tính sống còn của điện chém gió, các cấp lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt và các quyết sách đột phá nhằm biến tiềm năng thành hiện thực tương xứng với tên tuổi và khí thế Rồng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là làm thế nào để có thể tận thu được gió chém từ các hội nghị hay quán bia rồi biến chúng thành điện thắp sáng bóng đèn. Khó ở chỗ người ta không thể lắp những “cối xay gió” ngồng ngộng ngay giữa Thủ Đô vì nhiều nguyên nhân: tốn kém có, phá vỡ cảnh quan có, rồi có cả yếu tố về tâm sinh lý.  Một cột cao 70m sừng sững Bờ Hồ với sải cánh quạt 50 m lờ đờ quay và đổ bóng quanh năm xuống đầu dân chúng sẽ là thảm họa đe dọa đất Rồng thiêng. Nhẹ thì dân quanh Hồ sẽ thường xuyên hoa mắt, chóng mặt sinh mất ngủ. Nặng thì chỉ sau 3 ngày vận hành “yêu quái” gió, dân du lịch, bà con thể dục quanh hồ, rồi cả Cụ Rùa thiêng sẽ loạn tâm sa sẩm mặt mày mà la liệt ngã.
Người ta mất ăn, mất ngủ lo tìm giải pháp. Các hội nghị đóng cửa thâu đêm, suốt sáng “chém gió” tìm lối ra. Gió nổi đùng đùng nhưng vì gió quẩn nên giải pháp vẫn hoàn toàn bí. Rồi Rồng Bay mạnh dạn trải thảm đỏ mời các nhà khoa học đến hiến kế. Thảm vừa trải đã lập tức đông nghẹt các cao thủ kéo tới từ các viện quy hoạch và thiết kế điện, các trường đại học danh tiếng, các công ty trong và ngoài nước. Cũng may là thảm đỏ được thành phố đặt may ở phố Hà Trung, nơi chuyên may bạt và quần bò nên vô cùng bền bỉ, tha hồ cho các nhà khoa học dẫm đạp.
Cuối cùng người thắng cuộc về công nghệ điện chém gió Thủ Đô, không ai khác, chính là lão nông Miền Tây Nam Bộ Hai Lúa, người từng nổi danh bay lên trời bằng máy bay tự chế từ cót ép, sắt phế liệu và động cơ máy giặt cũ. Trong khi tất cả các cao thủ khác đề xuất các công nghệ phức tạp với các cỗ máy kềnh càng như tên lửa tầm xa S300 thì công nghệ của Hai Lúa không thể đơn giản hơn: Để thu được điện, trong phòng hội nghị người ta chỉ cần treo vài tấm rèm na ná như chăn điện Hàn Quốc, còn các cao thủ chém gió chỉ cần mặc áo “phông gió” là đủ. Gió chém được hấp thu vào rèm, vào áo và chuyển hóa thành điện. Điện lập tức được nạp vào pin, acquy hay hòa thẳng vào lưới điện quốc gia nhờ WiFi không cần phích cắm, dây dợ lằng nhằng. Đặc biệt, vật liệu để làm ra rèm và áo chỉ là xơ dừa, bèo hoa dâu và xỉ than, những thứ dồi dào và không thể rẻ hơn ở đất Nam Viên.
Vừa nắm trong tay công nghệ đỉnh cao, Thủ Đô Rồng lập tức cho thử nghiệm ngay rèm, áo ở các hội nghị tiêu biểu bộ ngành.
Bộ Giao Thông chém gió ngực phụ nữ TO, NHỎ cỡ nào thì được điều khiển xe máy.
Bộ Văn Hóa chém gió váy ca sỹ NGẮN, DÀI đến đâu thì bị gọi là hở hang.
Bộ Công An chém gió số tiền 100.000đ cảnh sát giao thông mang theo người là ÍT hay NHIỀU.
Bộ Y Tế chém gió…
Bộ Giáo Dục chém gió…
Bộ Nông Thôn chém gió…
Gió càng chém phần phật, điện càng chạy rầm rầm.
Nhờ rèm, áo sản lượng điện đất Rồng tăng lên ngoạn mục. Chỉ sơ sơ mấy cái hội nghị kể trên mà bóng đèn Thủ Đô dường như đã sáng hơn bình thường. Vài khu dân nghèo thường bị thí mạng cắt điện nay giờ cao điểm vẫn sáng tưng bừng. Thật tự hào! Tiềm năng đã tóe thành điện! Lãnh đạo Rồng Bay vui quá! Không vui sao được. Thủ Đô luôn bị cả nước ỉ eo chỉ thạo ăn tàn phá hại ngân sách nay mở mày, mở mặt. “Biết nhau chưa! Mới chỉ chém gió thôi mà đã ra cả đống điện nhé!”.
Rồi kết quả thử nghiệm trở thành sự kiện nóng hổi. Một Hội nghị về phong điện chém gió đã được Đất Rồng thiêng đăng cai tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Nườm nượp các hãng phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước kéo tới đưa tin hội nghị.
Trên diễn đàn, các đại biểu không chỉ say đắm và thán phục phát minh của Hai Lúa mà còn “chém” vang trời các chủ đề liên quan tới phong điện: Huy động hệ thống chính trị cho phát triển phong điện chém gió Thủ Đô; Đưa phong điện chém gió vào trường phổ thông; Tiềm năng và giải pháp xuất khẩu phong điện chém gió; Văn hóa phong điện chém gió trong thời kỳ quá độ v.v.
Nguời ta còn hào hứng lập ra Quỹ Phong điện Việt VPF (Viet Phong Dien Fund). Chớ lầm lẫn với Công Ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam đang nổi đình nổi đám có cùng tên VPF. Quỹ điện do đích thân ngài Tổng Trưởng làm chủ tịch. Quỹ vừa chính danh đã ngay lập tức được cả trăm ngàn người con yêu quý đất Rồng thiêng hào sảng hưởng ứng. Cũng có thể hiểu được sự hỉ xả đáng kinh ngạc của những người sáng lập và ủng hộ Quỹ. Đóng góp để muôn đời không áy náy. Đóng góp để chém gió thỏa thuê. Chém mọi lúc, mọi nơi! Càng chém càngđiên nặng! Càng chém càng ra tay góp sức vào sự thịnh vượng của nước nhà!
Trước tiềm năng cấm cãi của điện chém gió Thủ Đô, hội nghị đã thảo luận sôi nổi việc nhân rộng điện chém gió ra cả nước. Hội nghị cũng đề nghị Tối Cao Nghị Viện theo gương nước Đức văn minh dừng triển khai các dự án điện hạt nhân nhằm tránh những thảm họa như Chernobyl hay Fukushima cũng như ra nghị quyết yêu cầu EVN ngừng ngay việc tăng giá điện trong phạm vị cả nước.
Trong không khí cực kỳ lạc quan, người ta cho công bố danh hiệu Người Đàn Ông của Năm thuộc về nhà phát minh Nguyễn Văn Hai Lúa. Hai Lúa giành được danh hiệu cao quý này một cách thuyết phục mà không cần ai đó phải bấm phím bầu chọn 100 lần một ngày. Cũng trong hội nghị, Hoàng Gia Xứ Sở Sương Mù tha thiết đề nghị phong tước Hiệp sỹ cho Hai Lúa còn Hoàng Gia Xứ Scandinavia đề nghị đặc cách trao giải Nobel cho Lúa vì đã có công “Giải cứu tương lai nhân loại bằng công nghệ “bèo” ”. Tại lễ vinh danh, Hai Lúa hứa trong phát minh tiếp theo sẽ làm cho điện chém gió đặc quánh như bùn hay khô khốc như cát sỏi để tha hồ đào, xúc và chuyên chở bằng tàu, xe, container, xô, thúng, chậu …
Trên sân khấu, ông Chủ Tịch Rồng Bay xúc động ôm ghì nhà phát minh Nguyễn Văn Hai Lúa. Cao hứng, Chủ Tịch vung tay chém: “...Hôm nay lịch sử ngàn năm ghi danh... Rồng không chỉ phun lửa, Rồng đang phun điện. Rồng Bay không chỉ là Thủ Đô của hòa bình. Rồng Bay không chỉ là Thủ Đô của quà vặt. Rồng Bay còn là Thủ Đô của phong điện. Phong Điện chém gió muôn năm!”
Thủ Đô vui như…có điện. Thành phố Rồng từ thiếu điện trầm trọng bỗng chuyển sang thừa điện ê chề. Trước kia cả nước nhịn điện cho Thủ Đô, nay ô tô ngoại tỉnh ùn ùn vào đất Rồng xin điện. Vấn đề đau đầu của Thủ Đô lúc này là...nhiều điện quá! Cho không xuể nên đâu đó mất điện vì điện tràn cả ra lòng đường, bể bơi. Điện dò ra cả thang máy, máy ATM...đánh sập cầu dao, automat. Những ngày này cần tránh va chạm, tiếp xúc với cư dân Thủ Đô, ví dụ, không ôm hôn hoặc bắt tay nếu như chưa mặc áo mưa hoặc đeo bao cao su cách điện. Cũng đâu đó người ta phải mang điện ra nấu cám lợn, sưởi ấm cho chim bay ngang trời.
Gió cứ chém phừng phừng, điện cứ sôi ùng ục.

                                                                *** Chém gió” nhân sự kiện tăng giá điện - 12.2011.
                                                               Đỗ Huân - Gà viết sách Gà

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

* KHI GÀ ĐẶT TÊN

 Sách "Tào Lao Gà" tải miễn phí Tại đây         

1.
Thật không may cho Hãng hàng không Indochina Airlines sau 3 năm lay lắt tồn tại (2008-2011) nay bị rút giấy phép bay. Bay lượn được gần một năm máy bay của Hãng giờ phải đắp chiếu chờ. Ngoài không suôn sẻ chuyện xăng dầu, lương lậu, quản lý, Hãng còn không may cả chuyện đặt tên khai sinh của mình. Trước khi có cái tên Indochina hoành tráng, Hãng đã đăng ký tên Speed Up Airlines với cái nghĩa “Tăng Tốc” đầy khí thế, vừa mạnh mẽ vừa thách thức. Tuy nhiên vấn đề không may không hẳn chỉ vì, như mọi người đều biết, Tăng Tốc viết không dấu là Tang Toc báo điềm gở “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” mà về nghĩa Tiếng Anh cũng có vấn đề. Vấn đề ở chỗ là dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng việc lấy bay “nhanh”, bay “gấp”, bay “khẩn trương” hay bay “hối hả” để đặt tên cho một một hãng hàng không thì nó không chỉ thể hiện tầm nhìn hạn chế, nặng sự vụ, kỹ thuật mà nó còn không phản ánh một xu thế chính của hàng không hiện đại đó là bay an toàn, bay chắc chắn và bay thân thiện. Nên nhớ rằng sau hàng loạt các thảm họa hàng không, đặc biệt sau vụ 11/9 trên thế giới câu chúc phổ biến nhất dành cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp sắp bay lượn trên trời đó là “A safe flight! /Chúc chuyến bay an toàn”!

2.
Ở Hà Nội, đối diện Gà Hà Nội (Ga Hàng Cỏ) trên Phố Trần Hưng Đạo (Thời Pháp gọi là Boulevard Gambetta)Khách sạn Ga. Khách sạn này được Công ty Khách sạn Hà Nội quản lý có dịch vụ ổn, giá cả bình dân nên luôn là địa chỉ được các khách tầm tầm khắp Miền Bắc quan tâm, nhất là những khách đi tàu hỏa. Sau ngày thống nhất đất nước hệ thống khách sạn nhà nước được quy hoạch lại. Khách sạn Ga đổi tên thành Khách sạn 30/4.



Khách sạn 30 Tháng 4 cuối đường Trần Hưng Đạo, đối diện Ga Hàng Cỏ, đang xây lại
 


Giàn dáo dựng bằng tre. Không rõ xây xong sẽ mang tên gì


Điều lạ là khách sạn được mở rộng, thêm nhiều dịch vụ nhưng lượng khách không vì thế nhiều lên mà lại có phần thưa thớt đi. Có nhiều lý do khiến khách sạn thiếu hấp dẫn (sự lựa chọn khách sạn của khách thập phương nhiều lên, dịch vụ có vấn đề v.v.) nhưng cũng có thể cái tên mới của khách sạn thực tế đã tự hạn chế một lượng khách Miền Nam ra Hà Nội. Tôi không phỏng đoán điều này mà đã có kinh nghiệm qua vài trường hợp khách có tuổi miền Nam khi được giới thiệu khách sạn này đã từ chối, hoặc yêu cầu được đổi khách sạn. Thẳng thắn mà nói tên Khách sạn 30 Tháng 4 gợi lại quá khứ mà nhiều nguời miền Nam, do những hoàn cảnh, quan niệm khác nhau, không muốn nhắc tới. Tôi không bình luận về việc lòng người không phải lúc nào cũng dễ đổi thay, tôi chỉ nghĩ rằng khi đặt tên khách sạn có thể những người quản lý đã quá say sưa về phương diện tinh thần, vinh quang quá khứ mà quên để tâm về phương diện kinh doanh sinh lời.

3.
Việc đổi tên các thành phố trên thế giới thông thường gắn với sự thay đổi triều đại hoặc là kết quả của các cuộc cách mạng.  Hà Nội từng có tên Thăng Long Từ 1010 thời Lý Công Uẩn và một thời gian ngắn 33 năm (1397-1430) có tên Đông đô dưới thời Trần Phế Đế trước khi có tên như ngày nay vào năm 1888 tời Pháp thuộc.

Sài Gòn năm 1976 được Quốc hội Việt Nam đổi tên thành Hồ Chí Minh. Việc đổi tên được quyết định với công bố là “Theo nguyện vọng của đồng bào miền Nam, nhân dân Sài Gòn”. Việc đổi tên này ngoài kéo theo nhiều thay đổi về tên phố, tên phường còn dẫn tới những thay đổi đáng kể khác. Một loạt các bản đồ thế giới phải in lại. Còn nhớ khi tham gia một dự án thực hiện hải đồ điện tử, tôi đã biết sự phiền toái và tốn kém ra sao khi phải đính chính, bổ sung Cảng Sài Gòn không còn trùng tên với chính thành phố Sài Gòn mà lại nằm trong thành phố HCMC. Sự tốn kém và phiền toái này chắc xảy ra với toàn ngành hàng hải Quốc tế (bản đồ, giao dịch, thông tin hàng hải…)

Thành phố Xanh Pê-téc-bua (Sankt-Peterburg), cố đô nước Nga bên dòng sông Neva, qua nhiều thế kỉ, tên của thành phố cũng bị thay đổi nhiều lần, Sankt Peterburh,  Petrograd (Thành phố của Thánh Phê rô) sau cách mạng vô sản 1017 đổi tên thành Leningrad (lấy tên Lãnh tụ vô sản Lê Nin). Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã tổ chức trưng cầu dân ý và thành phố được trả lại tên ban đầu.

Ở xứ ta chắc rồi cũng có lúc người ta buộc phải trưng cầu dân ý về việc đặt tên thành phố, công viên, đường phố. Hy vọng Hà Nội sẽ có tên phố Trịnh Văn Bô….

Viết bài này mới thấy “Sát thủ đầu mưng mủ” là tên do dân gian đặt có vẻ chuẩn vì đã hội đủ đầy đủ cả âm, hình lẫn nghĩa. Âm “ủ” nghe không chỉ vần mà còn vang. Về nghĩa thì đầu “bã đậu” hoặc “có sỏi” đã là kinh đến “mưng mủ” thì tột đỉnh ghê rợn. Âm và nghĩa sống động đã tạo nên hình một sát thủ “trứ danh” hiển hiện và khác biệt.

12.2011
Huân (Gà viết sách Gà)