TaoLaoGa - Chuyện của bạn

CHIA SẺ CỦA BẠN BÈ TaoLaoGa
               
Chuyện của Khánh

“Gà” Lê Vũ Khánh được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những người giỏi Tiếng  Anh nhất cõi Việt Nam. Điều bất ngờ là dù bận bịu với đủ loại công việc “Gà” Khánh vẫn dành thời gian viết hồi ký và truyện vui. Anh nói rằng mình vui thú được chia sẻ với bạn bè  những gì đã viết. TaoLaoGa sẽ lần lượt đăng các mẩu chuyện của anh theo tinh thần: ”Nguyên si bản gốc”


1. Hành trình HIV     

Sếp vừa ký một quyết định quan trọng và thế là một đơn vị kia đã được hưởng một khoản lợi lớn mà chẳng phải làm gì. (Tiền chùa mà).  Tất nhiên là đơn vị cũng biết điều nên ngoài khoản quà cáp tí chút ”Anh cầm về cho chị giúp em, gọi là có chút quà nhà quê”, tay Giám đốc còn chiêu đái Sếp một chầu mát xa. Cũng phải mời mãi, mà nể lắm Sếp mới nhận lời.

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như sau khi mát xa xong, mà mát xa nghiêm túc hẳn hoi chứ không hề có cái chuyện này nọ như người ta cứ ác cảm mà vẫn ghép cho nó đâu nhé, Sếp không móc ví thưởng cho ả nọ ít tiền. Khi thấy ví Sếp dầy, nửa như nũng nịu, nửa như giả nai, ả mát xa nọ mồm nói “Ôi, anh có nhiều tiền quá nhỉ. Có mà cả đời em cũng chẳng bao giờ kiếm được ngần này”, tay ả cũng lập tức rút ngay được 2 tờ 500 ngàn đồng trong cả xấp nằm trong ví Sếp. Chẳng biết con HIV đã nằm phục trong kẽ tay ả từ khi nào liền lập tức nhảy phắt sang ví Sếp, nằm núp kín giữa những đồng tiền.

Sếp về nhà cũng khá muộn. Sếp bà ra mở cửa. Sau khi đã hít kỹ khắp người chồng mà  không thấy có mùi gì lạ (vì Sếp đã tắm rửa kỹ càng rồi mà) thì Sếp bà yên tâm. Nhưng dù sao thì cũng vẫn còn cái tội về muộn. “Ôi dào, họp hành nhiều, mệt quá. Mà cái thằng cha ấy cũng kẹt xỉ. Cái quyết định mình ký cho nó được lợi vài chục tỷ mà nó biếu mình được vài triệu bọ”. Sếp ngáp rồi thay đồ lên giường đi ngủ. Đợi Sếp bắt đầu ngáy, Sếp bà lập tức kiểm tra ví Sếp xem có bao nhiêu tiền. Chẳng phải vì Sếp bà tham tiền mà là bà lo để nhiều tiền quá trong ví nó nặng, Sếp đeo lên người có ngày bị vẹo sườn thì khốn. Tiền thuốc có bằng mấy lần cái tiền người ta biếu ấy chứ. Thật chẳng bõ. Cứ cẩn thận bỏ bớt ra cho đỡ nặng là hơn. Tay Sếp bà lần lần rút ra nhữg tờ 500 và 200 ngàn đồng còn những tờ nhỏ hơn thì để lại ”cho anh ấy tiêu vặt”. Khốn khổ là con HIV nọ lại nằm đúng trong những tờ 500 ngàn đồng ấy và thế là nó nhảy sang tay bà rồi nhẹ nhàng lần lần lên nấp vào tận trong lần áo lót ngực của bà cho kín.

Lần ấy Sếp cũng bận lắm, cũng một đơn vị chiêu đãi mà từ chối thì không đành. Sếp bảo cậu lái xe chở cái cập và ít quà cồng kềnh về nhà trước và báo cáo để Sếp bà yên tâm.Được cái cậu lái xe cũng chu đáo. Cậu khuân vác hết những thứ quà nọ lên tận phòng khách rồi có cái lại phải mang vào tận phòng ngủ cho Sếp bà. Mà cũng phải khỏe mạnh như cậu thì mới làm được, chứ cái ngữ ốm yếu như anh em mình thì có mà làm khối ra đấy. Có nhiêt tình mà cố làm thì có khi lại làm cho Sếp bà bực mình thêm không biết chừng. Cậu chu đấo thế nên Sếp bà quý. Lúc cậu ra về, Sếp bà gửi gói quà nhỏ “Chú mang về cho các cháu ở nhà” thì cũng là lúc cái con HIV tinh quái kia đã lần từ áo lót của bà mà nhảy ngay sang gói quà. Và tất nhiên là cậu lái xe đã cầm gói quà thì hẳn mọi người biết rồi đấy, làm thế nào mà tránh được HIV cơ chứ.

Nếu chỉ đến thế thì cũng còn là mừng. Đằng này khi về đến nhà, vợ cậu lái xe lại không dám cho con dùng gói quà đó mà lại dể dành để ngày mai đến biếu ông Trưởng phòng Tổ chức cơ quan mình vì cơ quan đang trong kỳ giảm biên chế. Bị cắt giảm biên chế thì có mà, cứ gọi là treo niêu. Trưa hôm sau, đợi lúc vắng người, cô mới dám mang gói quà lên phòng làm việc của ông Trưởng phòng Tổ chức. mà cô cũng còn phải đợi cho ông Trưởng phòng Tổ chức làm việc riêng với cô cán bộ tiền lương xong rồi mới vào được. Sợ mọi người biết, cô lại phải dấu kín gói quà trong người và thế là, ôi thôi, một cơ hội tốt cho con HIV đẻ một trứng dấu ngay trong người cô. Chẳng biết bằng cách nào mà khi gói quà được chuyển qua cho ông Trưởng phòng Tổ chức thì con HIV con cũng được bàn giao sang cho ông luôn.

Ông Trưởng phòng Tổ chức cũng thương cán bộ dưới quyền lắm, nhất là cô phụ trách tiền lương của cơ quan. Cô đã nghèo, lại vớ phải một anh chồng không ra gì. Tay chồng chỉ suốt ngày rượu chè, cờ bạc lại còn mát xa, mát xiếc nữa ấy chứ. Gói quà ông Trưởng Phòng Tổ chức cho cô cũng phải dấu kín. Mà ông cũng có dám cho công khai đâu, sợ mọi người tỵ nạnh nên cũng phải chờ thời cơ mới dám dúi cho cô được gói quà. Nhận gói quà tình nghĩa, cô cán bộ tiền lương chẳng biết và cũng chẳng mảy may nghi ngờ là đã có một con HIV núp trong đó. Thế mà rồi cô và các con cô cũng có được hưởng gói quà ấy đâu. Đêm về, cái thằng chồng không ra gì của cô cứ nã tiền để hắn đi uống rượu và đánh đề, nhưng cô làm gì ra có mà cho hắn cơ chứ. Thấy gói quà, hắn chẳng nói, chẳng rằng mang đi bán để lấy tiền thỏa mãn những nhu cầu của riêng hắn. Cô khóc lóc, van xin, hắn cũng mặc. Hắn bán cho ai chẳng biết, nhưng khi đã có tiền là hắn đi uống rượu và đi mát xa. Lúc hắn móc những đồng tiền nhầu nát, bẩn thỉu ra trả cho ả mát xa thì cũng là lúc con HIV đã đi được đúng một vòng khép kín./.


2. Mối tình đầu đầy nước mắt

Phải thú nhận rằng tôi yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên, yêu vì cái váy đỏ rực nàng hay mặc hay vì cái núm đồng tiền trên má, hay vì cái răng sứt mà nàng hay trề ra để dọa tôi. Tôi cũng chẳng biết vì cái gì nữa, nhưng chỉ biết rằng, tôi rất thích nàng, tôi yêu nàng. Ngày đầu đến lớp, tôi thấy nàng còn bịn rịn mãi bên bố mẹ, không muốn vào lớp ngay. Hẳn là ở nhà, nàng được bố , mẹ yêu chiều lắm.

Trong lớp, tôi được xếp ngồi cạnh nàng. Người nàng thơm ơi là thơm, đến mức tôi chỉ muốn hít, muốn cắn như cắn quả táo vậy. Đến bữa ăn, tôi cũng thường vác ghế ra ngồi cạnh nàng và mỗi khi có miếng thịt, nhất là thịt mỡ thì thế nào nàng cũng len lén xúc sang bát tôi.

Có hôm, thằng Tuấn béo với thằng Thành, 2 thằng đuổi nhau, chạy xô cả vào nàng làm cho nàng ngã, đập đầu vào cạnh bàn, sưng vếu lên. Thế mà cả 2 thằng đều không biết điều dừng lại xin lỗi nàng. Tôi điên tiết, nhảy ngay lên bàn song phi thẳng vào người thằng Tuấn. Cả 2 thằng túm lấy tôi, nhưng tôi cóc sợ, đạp ngay cho thằng Tuấn một phát  vào bụng còn thằng Thành đang túm tóc tôi thì được ăn một phát cắn vào tay đến rớm máu. Hai thằng đều kinh hãi mà bỏ tôi ra. Từ đó tôi với nàng càng thân thiết hơn.

Đứa nào trong lớp tôi cũng ngại chuyện đi ị. Cô giáo hay cáu, thậm chí cốc thủng đầu đứa nào xin đi ị trong lớp. Cô bắt mang cái bô ra ngồi một góc lớp. Tôi dạy nàng cách nín hơi, thót lỗ đít vào để nhịn ỉa. Bài này tôi học được của ông anh trên tôi vài lớp. Cách làm này khá hiệu quả. Hầu như tôi không đi ị ở lớp bao giờ. Nàng cũng học được cách nhịn ỉa mà tôi dạy nên ít khi bị cô véo hay cốc đầu.

Thế mà cuối cùng, chúng tôi phải chia tay cũng vì cái chuyện đi ị ấy. Hôm ấy chẳng biết làm sao mà nàng không thể nhịn được, đành phải xin cô cho ngồi bô. Nàng ngồi cũng đã lâu rồi, tôi cũng đã sốt ruột lắm mà chưa thấy cô ra rửa đít cho nàng rồi cho nàng về chỗ. Cô phạt, bắt nàng ngồi thật lâu cho bõ ghét. Đúng lúc đó thì mẹ nàng đến. Chắc là mẹ nàng được nghỉ làm sớm nên tranh thủ đến đón nàng về nhà luôn. Đang ngồi lấm lét nhìn cô, thấy mẹ đến, nàng như vỡ òa ra, đứng phắt ngay dậy, chạy về phía cửa lớp. Cái bô còn dính theo đít nàng một đoạn rồi mới rơi đánh xoảng một cái xuống nền gạch, nước văng tung tóe, còn có cả một cục phân nữa. Mẹ nàng dỗ mãi mà nàng vẫn nức nở vì ấm ức, vì xấu hổ . Cả lớp nhìn nàng ngơ ngác. Tôi thương nàng lắm mà chẳng làm được gì.

Tuần sau, không thấy nàng đến lớp nữa. Nghe nói bố mẹ nàng xin chuyển trường cho nàng sang bên Mầm Non A. Bên ấy, các cô không hay véo hay cốc đầu học sinh như bên này. Từ đó tôi xa nàng, xa mối tình đầu của tôi.
   


3. Bò Kobe Ha Noi

Hai ông khách vào tiệm phở bò Kobe ở Hà Nội, gọi mỗi người một tô đặc biệt. Boy bưng phở ra cho khách còn ông chủ tiệm thì giới thiệu : "Các vị có thấy thịt bò ngon không ? Miếng này là của con bò được nghe nhạc Mozart nên thịt nó mềm mại lắm, lại thơm cả hương hoa cỏ mùa Xuân nữa. Còn miếng này là tôi lấy từ con bò được nghe nhạc của Beethoven nên khi cắn vào ông sẽ thấy nó sần sật, giòn giòn như những đoạn cao trào trong các tác phẩm của nhạc sỹ người Đức vậy".

Được một lát, ông khách nhè ra một miếng gân, nói với ông chủ hiệu phở: "Miếng này chắc là lấy từ con bò chuyên được nghe chèo cổ. Thảo nào nó dai lắm, cứ như cái đoạn í ì i.... ở các chiếu chèo ấy.

Vào bếp, Ông chủ chửi thằng làm công: "Đồ ngu, sao mày không dặn nó kỹ càng là phải dùng thuốc tẩy công nghiệp mà ngâm cho nó kỹ thì mới thành bò Kobe chứ. Cứ nguyên xi như thế, lấy từ Nghệ An ra thì đến bố mày cũng không sơi được".


4. Đùa các nhà quảng cáo

Trở thành khủng long

Nhà quảng cáo : ”Kính thưa các quý bà, quý cô, đây là bộ xương khủng long, qua nhiều triệu năm vẫn còn bền vững như nguyên. Vậy thì chúng ta biết tại sao lại phải dùng kem đánh răng Galecoat rồi đó”.
Các bà, các cô: “Để trở thành khủng long ạ!”.

Má mừng

Cô gái khoe với mẹ : ”Má ơi ! con có thai mới (bột giặt New Tide) nè ! Thai Mỹ đó, trắng lắm  nghe”.

Bà mẹ: ”Ờ, Có chắc là Mỹ da trắng không đó con ?. Được vậy thì má mừng“.


5. Đùa chị Tạ Bích Loan

Hẳn cái tên này đã quá nổi tiếng, không cần phải quảng cáo thêm. Chị là người của công chúng r mà. Nhưng cái mà tôi ấn tượng không phải vì chị là một biên tập viên có tài, trình độ uyên thâm, (cái đó là tất nhiên rồi), mà lại là ở chính cái tên của chị. Là một người Việt, biết tiếng Anh, tình cờ tôi phát hiện ra rằng cái tên đó, nếu xét theo góc độ ngôn ngữ, lại phải đan xen cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, rồi chỗ thì xét theo phương diện ngữ nghĩa, còn chỗ khác thì lại phải xét theo ngữ âm thì cũng rất thú vị.

Trước hết, xét chữ ”Loan”. Nếu ta đọc chữ này theo cách phát âm tiếng Anh, nhưng lại đọc cho người Việt nghe thì đã tạo ấn tượng đáng kể rồi.

Tiếp đến, xét chữ ”Bích”. Đầu tiên là ngữ âm. Chữ ”Bich” trong tiếng Việt có thể đọc tương đương như chữ ”big” trong tiếng Anh và có nghĩa là ”to”, ”lớn”.

Chữ cuối cùng là chữ  ”Tạ”. Ta sẽ không tìm thấy chữ tương đương trong tiếng Anh nên chỉ có thể hiểu nó theo nghĩa tiếng Việt, tức là 100 cân mà thôi.

Thật là ấn tượng.

Cũng xin tạ lỗi cùng chị Tạ Bích Loan, vì cũng chỉ tình cờ mà tôi phát hiện thế thôi nên bình loạn một tý cho mình và cho bạn cùng vui chứ không có ý gì khác. Ngay cái tên của tôi, nếu cũng xét theo cái cách na ná như thế thì cũng tạo ấn tượng gần tương đương. Tuy nhiên để dành dịp khác tôi sẽ bình tiếp về tên của mình.    


6. Đùa nhạc sỹ Nguyễn Cường

Nhạc sỹ Nguyễn Cường với cái mũ cao bồi, trông như dân Texas thứ thiệt. Nhưng nhạc của anh lại cháy bỏng chất Tây Nguyên. Bài hát ”Đôi mắt Pleiku” là một ví dụ điển hình.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, một cái góc nhìn lệch lệch một tý, giả dụ như dưới góc độ ngôn ngữ chẳng hạn, mà lại phải là pha tạp giữa tiếng Việt với tiếng Anh, thì bài hát của anh lại tạo nên một sự thú vị khác. Dưới đây là cảm xúc của một người Việt Nam, biết tiếng Anh khi nghe bài hát của anh.

……Trên thế giới này người ta play đủ thứ. Nhạc công thì play piano, guitar, violin. Dân thú đánh bài  thì play cards, play chess, người thích thể thao thì play game, cụ thể hơn như play football, play tennis chẳng hạn, còn để khiêu dâm thì người ta có playboy, playgirl. Duy chỉ có ở Việt Nam mà cụ thể là ở Tây Nguyên người ta lại play “cu”. Hẳn phải là cái người ta thích lắm, hay play lắm, thậm chí cái việc play đó còn có thể đậm đà bản sắc dân tộc nữa ấy chứ thì mới làm cho Nguyễn Cường có đủ cảm hứng để sáng tác ra bài ca này. Xin gút lại vấn đề  bằng việc nhại lại một đoạn trong bài hát:

            Trăm nghìn vạn thứ  chẳng play
            Lại chỉ play cái của này.
            Không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
            Em gái plays ”cu” plays cả ngày…..

Một người quen của tôi, anh L. Trước làm ở VOV mang chuyện này kể cho Nguyễn Cường nghe và bảo Nguyễn Cường cuời ngất. 



7. Siêu           

Phát biểu của ”Siêu Khán giả” thời ”Siêu lạm phát Siêu Sao”
Một vị khán giả được mời phát biểu cảm tưởng sau một chương trình ca nhạc, tạp kỹ gần đây đã có lời phát biểu như sau:

Kính thưa tất cả các quý vị!

Tôi rất hân hạnh được có mặt hôm nay tại đây chứng kiến màn siêu trình diễn của các siêu sao, từ các siêu sao ca nhạc với các siêu nhạc phẩm, các siêu hài từ khắp mọi miền đất nước với các siêu tiểu phẩm gây siêu cười đến các siêu người mẫu với siêu số đo các vòng, không chỉ vòng 1, vòng 3 mà cả vòng 2 cũng siêu luôn.

Một chương trình như vậy cũng không thể nào thành công đến mức siêu thành công như siêu chương trình đêm nay nếu như chúng ta không được dẫn dắt bởi các siêu MC với các lời dẫn siêu việt, siêu có cánh, đưa chúng ta vào thế giới của các siêu sao với những cảm giác siêu tuyệt vời. Nhưng chương trình càng không thể siêu thành công nếu như không được nhào nặn dưới bàn tay siêu tài hoa của một siêu đạo diễn.

Trong một siêu đêm của những cảm xúc siêu tuyệt vời như vậy, cho phép tôi, một người trong số mấy trăm siêu khán giả có mặt ở đây, đại diện cho trên 86 triệu siêu khán gỉa khác của Việt Nam được nói lời cám ơn, không phải nói là lời siêu cám ơn đến tất cả các siêu nghệ sỹ vì đã cho chúng tôi có được một đêm siêu tưởng.

Lê Vũ Khánh xin được chia sẻ cùng mọi người là những siêu độc giả khác của báo trong thời lạm phát ”Siêu”, khi hết thảy mọi người đều siêu.     


8. Cái xe đạp Sputnik          

Câu chuyện dưới đây không phải tôi nghĩ  ra mà chỉ là chép lại từ những gì nhớ được từ những lời nói đùa với nhau giữa đám bạn bè lúc vui vẻ mà thôi.

Thời những năm 60, 70, thậm chí  80 của thế kỷ trước, cả đất nước còn nghèo lắm. Một anh sinh viên Việt Nam, đi học ở Liên Xô về, mang theo cái xe đạp cuốc, nhãn hiệu Sputnik thì đã là oai lắm. Cái xe, thời ấy, cũng là một tài sản có giá trị lớn.

Ấy thế nên mới có cái chuyện rằng:

Một anh sinh viên Việt Nam, trong thời kỳ học ở Liên Xô đã đem lòng yêu một cô gái Nga. (Hẳn ngày ấy, cái chuyện yêu đương này cũng phải giấu kín, chứ nếu không, anh chàng này đã phải xách va ly về nước sớm rồi). Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc mà đã hết 5 năm du học, chàng trai tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lên đường về nước. Ngày sắp xa nhau, họ buồn lắm. Đôi tình nhân dắt tay nhau đi trong rừng bạch dương. Mãi rồi, cô gái Nga mới bồi hồi nói với chàng trai Việt:

”Anh thân yêu vô cùng. Anh phải biết rằng em yêu anh nhiều lắm. Nay phải chia tay nhau, rồi ngàn trùng cách biệt, biết bao giờ gặp lại. Giờ thì tất cả của em đây, anh muốn lấy cái gì cũng được……”.    

Chàng sinh viên Việt Nam, bất ngờ và cảm động trước tình cảm chân thật của bạn gái. Suy nghĩ một lúc, anh chàng nói:

            ”Anh đã tiết kiệm mua được cái đầu máy khâu rồi. Vậy thì em cho anh xin cái xe đạp Sputnik của em nhé !!!”.

oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo
oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo

Chuyện của Dũng

“Gà” Bạch Thế Dũng tuy không cao lớn nhưng ai cũng phải ngước nhìn.
Anh không chỉ là một kỹ sư, một chuyên gia cao cấp về đường bộ mà còn là một tay tinh tường lịch sử, phong tục, con người nhiều vùng đất mà nghề nghiệp khiến anh đi qua và gắn bó. Ảnh và bài viết của Dũng luôn mộc mạc, dí dỏm, bay bổng và luôn chuẩn xác như chính con người anh. TaoLaoGa đăng các bài của Dũng trên tinh thần: “Nguyên si bản gốc” 



1. Ông chuyên gia về làm kinh tế “Nhìn đâu cũng thấy tiền”

Hồi làm Dự án giao thông nông thôn 1 (4/1998-12/1999), có thời gian làm việc khoảng 3 tháng và hơn 1 tháng đi tháp tùng và làm phiên dịch cho ông chuyên gia Úc – Michael Known (Gọi thân mật là Mike- Maicờ) đi phỏng vấn khoảng 10 tỉnh về bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, từ Bắc vào Nam. Quá trình đi xe, phỏng vấn, nghỉ ngơi được làm việc cùng ông đã học được rất nhiều bài học về sự nhậy bén khi gặp các hiện tượng trên đường, từ đó nảy ra các ý tưởng kinh doanh. Rất tiếc đến nay vẫn chưa áp dụng vào cuộc sống của bản thân. Và cũng từ công việc với ông Mike, suýt nữa đã chuyển sang nghề xuất khẩu bia Hà Nội sang Úc.
-          Gia đình ông Mike: Ông Mike là kỹ sư đường bộ và là kỹ sư tự do, không thuộc cơ quan nào cả, khi có dự án cần đến sẽ kí hợp đồng thuê làm việc. Bình thường gia đình ông vẫn có nhà hàng lớn ở thủ đô Canberra và thành phố Sydney. Ông Mike kể, ông có vợ và 1 con trai và 1 con gái. Hiện nay (1999), vợ ông đang quản 2 nhà hàng lớn ở SydneyCanberra. Con gái ông đang học đại học, ở lớp có cậu bạn là người Nhật. Nước Nhật có món ăn nổi tiếng là món Sushi (Cá biển ăn sống với mù tạt). Ông Mike bảo con gái mời anh bạn Nhật đến chơi, ăn cơm. Ông hởi thăm công việc học hành (Xã giao) và gia đình cậu bạn người Nhật. Anh ta khoe có bà mẹ làm món Sushi rất ngon. Sau đó hai vợ chồng sang Nhật du lịch, đến thăm gia đình anh bạn Nhật, học cách làm món Sushi của bà mẹ. Về Úc, hai vợ chồng bổ sung ngay thực đơn Sushi cho nhà hàng của mình. Về sau đã có kinh nghiệm, hai ông bà sang Nhật mở luôn nhà hàng chuyên về món Sushi ngay trên đất Nhật và rất thành công. Sau này cậu con trai học đại học về quản lý kinh doanh, khi tốt nghiệp tiếp quản luôn nhà hàng của bố mẹ.
-          Khi đi công tác tại các tỉnh, ông Mike có tác phong luôn luôn quan sát, từ đó có các nhận xét rất hay và chuẩn xác.
·         Có lần đi ô tô qua các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đột nhiên ông Mike nói: Dũng, mày có muốn làm giàu không, mình hỏi tại sao ông lại hỏi vậy, ông Mike giải thích, xe ô tô vừa đi qua mấy chục km địa hình bằng phẳng, nhưng xe vừa đi qua 1 quả đồi bỏ hoang, không trồng trọt gì cả, mày mua quả đồi ấy, sau này dân sẽ phải xây nhà cửa, làm móng nhà, san lấp để làm đường, họ sẽ phải mua đất đồi của mày, thế là mày chỉ việc ngồi thu tiền (Quá đúng!). Nhưng vì ở xa quá nên không làm theo lời khuyên của ông Mike được.
·         Khi đến tỉnh Bến Tre, ông Mike hỏi ở tỉnh này có đặc sản gì? Tôi nói, có kẹo dừa Bến Tre nổi tiếng ở Việt Nam! Ông Mike đề nghị cho đến tham quan xưởng sản xuất kẹo dừa và hỏi rất nhiều đến nguyên liệu, giá thành v.v. Tôi hỏi tại sao ông hỏi kỹ thế, ông định nhập khẩu kẹo dừa sang Úc à? Ông Mike nói, đúng vậy, nhưng không phải cho người Úc ăn mà cho Việt kiều ở Úc, người Việt định cư ở Úc rất đông, nên họ thường hướng về quê hương và kẹo dừa cũng giúp cho họ đỡ nhớ đến Việt Nam.
·         Khi ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ăn sáng, ông Mike gọi đánh giày. Sau khi xong, cậu bé đánh giày đòi 3000 đ (năm 1999), ông Mike không chịu trả, ông lí sự, ở Hà Nội tao chỉ phải trả 2000 đ, do đó chỉ trả 2000 đ như ở Hà Nội. Tôi phải giải thích, ở TP Hồ Chí Minh, mức sống cao hơn Hà Nội và mọi thử đều đắt đỏ hơn. Giày tôi nhỏ, ngắn cổ tôi vẫn phải trả 3000 đ, giày ông to đùng, lại cao cổ nữa, nên 3000 đ là rẻ đấy. Lúc nghe giải thích xong, ông Mike cười hì hì và vui vẻ trả tiền 3000 đ. Tương tự như vậy ở Bạc Liêu, mua chai rượu Lúa mới, ông Mike không chịu trả 14000 đ, vì ở Hà Nội ông ấy mua có 12000 đ, tôi lại phải giải thích, rượu lúa mới sản xuất ở Hà Nội, họ phải vận chuyển gần 2000km đến đây bán cho ông, lúc đó ông Mike lại vui vẻ trả tiền. Thực ra không phải ông Mikr keo kiệt vì theo ông ấy nói, kiếm tiền rất vất vả nên chi tiêu cũng phải đúng và hợp lý. Khi ăn ở nhà hàng, có một số cô phục vụ bưng bê, dọn bàn, rót bia. Khi ăn xong ông Mike cho tiền bo mỗi cô 50 000 đ.
·         Có lần đi Dak Lak, sau khi làm việc xong, ông Mike mời cán bộ làm việc cùng của Sở GTVT và các nhà thầu đi ăn tối. Theo phong tục trong Nam, mọi người chuốc rượu rất nhiều. Lần lượt từng người nâng cốc và cạn chén với ông Mike. Đến người thứ 10 thì ông Mike sỉu, gục đầu xuống bàn không biết gì nữa. Mọi người phải xúm nhau vào khênh ông Mike xuống và thuê xe taxi đưa về khách sạn. Sáng hôm sau, ông Mike hỏi tôi, Dũng ơi, tao rất xin lỗi, hôm qua tao mời mọi người nhưng lại bị xỉn, vậy ai đã trả tiền ăn tối. Tôi trả lời, anh cán bộ của Sở giao thông đã đề nghị mấy anh nhà thầu trả rồi. Ông Mike yêu cầu tôi đưa đến Sở giao thông, đưa tiền cho anh cán bộ Sở để trả lại cho nhà thầu. Sau ông Mike hỏi tôi, sao mấy anh bạn Việt Nam không ai say cả mà tao lại say. Tôi phải giải thích, nếu ông để ý thì mấy anh bạn Việt Nam khi uống xong 1 cốc rượu, lại uống nước loc. Ông Mike trách tôi, sao mày không bảo tao. Tôi nói ông uống rượu thường xuyên, ông to khỏe nên tôi nghĩ ông đấu được với mọi người, nên không bảo. Ông Mike tự an ủi, thôi được, lại thêm 1 bài học.
·         Khi làm việc tại tỉnh phỏng vấn về bảo dưỡng đường nông thôn, trong đó có hỏi về cán bộ quản lý đường cấp xã, nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ này. Chủ tịch xã phàn nàn cán bộ quản lý không làm đầy dủ vai trò, trách nhiệm của mình. Ông Mike hỏi thế lương của cán bộ này là bao nhiêu? Ông chủ tịch xã nói cán bộ chuyên môn xã không có lương mà hưởng phụ cấp khoảng 200 000 đ (1999- gần 20 USD). Ông Mike bình luận, từ trước đến nay thường thì chỉ có cán bộ cấp trên phê phán cấp dưới, mà không biết cấp dưới làm việc thế nào, sinh sống ra sao. Cán bộ xã làm việc buổi sáng, còn buổi chiều lại đi cầy ruộng, nuôi heo mới đủ sống. Do vậy không thể làm việc hết mình được. Ông Mike lại hỏi thế khi đi thăm và tuần tra đường thì đi bằng phương tiện gì, của ai. Cán bộ xã trả lời đi bằng xe máy của cá nhân (Không phải của xã), xăng cũng phải tự trả. Ông Mike hỏi tại sao xã không trả ít nhất là tiền xăng cho cán bộ tuần tra đường. Ông Chủ tịch nói, nhiệm vụ anh ta phải đi tuần, nếu không có xe máy thì phải đi bộ, vất vả. Nếu muốn nhàn thì phải dùng xe máy của bản thân. Nếu trả thêm tiền xăng hàng tháng thì thu nhập của của cán bộ này sẽ cao hơn chủ tịch xã, không thể thế được.
·         Ở Hà Nội, ông Mike hỏi tôi, này Dũng sao tao thấy khắp nơi đề biển bán bia hơi Hà Nội. Tôi giải thích, bia Hà Nội phổ biến nhất là bia hơi vì ngon, rẻ và sản xuất ở ngay Hà Nội, nên rất tươi, mát hợp gu với dân uống bia đã từ lâu. Đặc biệt tại vị trí nhà máy bia có nguồn nước để sản xuất bia rất tốt, chất lượng cao, đã được người Pháp tìm thấy cách đây gần trăm năm. Một hôm ông Mike bàn với tôi, liên hệ với nhà máy bia Hà Nội về việc mua và làm thủ tục hải quan để xuất khẩu sang Úc. Tôi đã liên hệ với phòng kinh doanh nhà may bia, dự thảo hợp đồng và thủ tục hải quan gần như hoàn chỉnh. Ông Mike nói tôi sẽ mở tài khoản tại ANZ Bank gửi vào đó khoảng 1000 USD, sau này ông Mike sẽ gửi tiền vào đó khi cần nhập bia và với mỗi Container, ông sẽ trả công là 500 USD. Nếu thành công thì tạo cơ hội công việc mới cho tôi. Tôi hỏi ông Mike, tại sao ở Úc có rất nhiều hãng bia nổi tiếng như Tiger, Heniken v.v. ông còn nhập bia Hà Nội làm gì? Liệu có bán được không? Ông Mike giải thích, đúng vậy ở Úc không thiếu các hãng bia ngon và nổi tiếng, tuy nhiên đã lâu năm nên cũng nhàm chán. Dân nhậu muốn có gì đó đổi mới, lạ lẫm. Tuy nhiên, đúng năm đó, thủ tướng mới của Úc lên và đề ra một số chính sách mới về thuế: Bia được coi là đồ uống có cồn và chịu thuế như rượu và chịu thuế cao. Sau khi tính toán các chi phí, ông Mike thấy giá cao quá không thể bán được ở thị trường Úc, nên đã bỏ cơ hội kinh doanh này. Thật tiếc.
·         Hiện nay ông Mike đang làm chuyên gia đường bộ tại Châu Phi.

2. Ghi chép trên đường làm dự án giao thông nông thông

     Chuyện ở tỉnh Điện Biên
    
     Khoảng năm 2003 đi công tác tại tỉnh Điện Biên, sau khi làm việc được đi thăm hầm chỉ huy tướng Võ Nguyên Giáp. Như mọi người biết, hầm chỉ huy tướng Đờ cát của Pháp đặt ngay trung tâm thị xã Điện Biên Phủ, hầu như mọi người lên Điện Biên đều đến thăm. Tuy nhiên hầm tướng Giáp thì ít người đến được vì đường xa và khó đi, thậm chí trước đây còn không đi được. Anh em ở Sở giao thông vận tải kể chuyện: Trong đợt kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1994), tướng Giáp lên thăm chiến trường xưa. Do không có đường vào hầm chỉ huy trước đây, nên phải thuê dân địa phương và bộ đội cáng ông Giáp vào thăm hầm chỉ huy xưa kia. Sau khi thăm xong, ông Giâp rơm rớm nước mắt và nói ‘…di tích của tướng bại trận thì được tu sửa, mọi người đến thăm, tướng thắng trận thì không ai đoái hoài’. Tỉnh Điện Biên cùng các cấp, các ngành tìm kinh phí để làm đường vào khu di tích tướng Giáp, nhưng chẳng có lí do gì để cấp kinh phí: không phải khu đông dân, không phải khu du lịch, không có công trình kinh tế nào ở đây cả v.v. Với lí luận này thì xin cấp kinh phí bị bế tắc. Sau này có Dự án giao thông nông thôn WB1, dự án có tiêu chí làm đường cho khu vực có dân tộc thiểu số, nhưng vì tiêu chí thời đó chỉ cho phép làm đường cấp phối. Tuy nhiên sau khi con đường được hoàn thành (Chi phí rất lớn để làm đường mới), các cấp các ngảnh đưa vào kế hoạch hàng năm để rải nhựa và làm bậc bê tông leo lên đồi vào hầm chỉ huy ông Giáp.

   
   Chuyện nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long

     Đăng kí giấy khai sinh miễn phí: Một lần đi công tác ở tỉnh Bạc Liêu điều tra về bảo dưỡng đường nông thôn ở cấp xã. Khi qua trụ sở UBND xã thấy đông người, tôi để ý thì thấy trước cổng UBND có treo băng rôn mầu đỏ về “cấp giấy khai sinh miễn phí cho các cháu chưa có giấy khai sinh”. Khi làm việc với cán bộ xã tôi có thắc mắc với cán bộ xã thì được trả lời, bà con ở đây nghèo lắm, trước đây khi đăng ký khai sinh phải nộp 10 nghìn (khoảng 2002), nhưng gia đình cũng không có nổi, nên đành chịu không làm giấy khai sinh. Sau nhiều năm, vấn đề quản lý nhân khẩu gặp khó khăn, nên các cấp họp lại và quyết định cho các cháu ở mọi lứa tuổi làm giấy khai sinh miễn phí, lúc đó bà con mới ùn ùn kéo đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh.
     Nhà lá và nhà gạch: Đi thăm các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long vùng nông thôn, phần lớn nhà đều làm bằng lá dừa, vì dừa là loại cây được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh, cây dừa hầu như được tận dụng toàn bộ, quả thì lấy nước, đặc biệt là cùi dừa để ép dầu, sọ dừa làm đồ mỹ nghệ, tượng, con giống, đũa, thìa, muôi v.v. thân dừa, lá dừa làm kèo cột lợp mái nhà, làm tường nhà. Tuy nhiên lá dừa chỉ phơi mưa nắng được vài năm thì mục nát, nên phải thường xuyên lợp lại, rất mất công. Một số nhà khá giả hơn thì phần tường phía trước nhà, hướng ra cổng hoặc đường vào nhà thì được xây bằng gạch, quét vôi, còn 3 phía bên, phía sau và mái đều che chắn bằng lá dừa. Một số nhà cầu kì hơn thì phía trong nhà chỉ dùng cọng lá dừa để lợp phía trên làm dui mè, trông rất đẹp và ấn tượng.

   Ăn trưa ở xã: Có lần về xã làm việc xong thì đến trưa, tuy nhiên quanh đó không có nhà hàng nào cả (Thông thường buổi trưa, cả đoàn đi ăn trưa ra nhà hàng ở địa phương và tiền chia đều cho mọi người để trả). Ông chủ tịch xã nói, biết đoàn về làm việc, quanh đây lại không có nhà hàng, nên UB đã bố trí ăn trưa rồi, một anh cán bộ xã còn giải thích đã xin ý kiến của Đảng Ủy xã, UBND, Hội phụ nữ, hội thanh niên về bữa ăn này rồi, đoàn từ chối nhưng không thể được, nên thống nhất ăn trưa cùng xã, phòng làm việc được kê thêm bàn ghế, trải nylon lên cho sạch, các món ăn gồm thịt lợn luộc thái dày, tôm nhỏ rim mặn, cơm và không thể thiếu là rượu quốc lủi (Nấu tại địa phương). Cạnh bàn tôi có một cô bé khoảng 5 tuổi đứng gần bàn, thỉnh thoảng cháu lại lấy tay chỉ đĩa thịt, tôm. Có chị cùng bàn thỉnh thoảng lại gắp cho cháu miếng thịt, con tôm cầm tay ăn bốc. Tôi hỏi sao không cho cháu vào bát và cùng ngồi ăn, chị đó giải thích cháu không được phép như vậy, nhà cháu ở ngay cạnh trụ sở UB, bố mẹ nuôi cá nuôi tôm, nhưng phải đem bán hết để chi phí cho cuộc sống gia đình. Dân ở đây đều vậy, con tôm con cá kiếm được, loại ngon đều phải dành để bán hết, con còi con chết không bán được mới được ăn. Riêng việc mua giống, thức ăn, thuốc bệnh cũng rất tốn kém, nhiều năm mất mùa, rớt giá thì làm ăn thua lỗ là cái chắc.



3. Truyện đi nước ngoài

Nước Nga (Liên Xô cũ):

     Truyện 1:


      Lần đầu tiên được đi nước ngoài là năm 1982. Năm đó đang tham gia thiết kế thi công cầu Thăng Long (Tham gia thiết kế cầu Thăng Long từ năm 1972 đến 1982). Vào những năm đó vừa ra trường (Đại học xây dựng 1966-1971), lập một số chương trình máy tính phục vụ công tác tính toán thiết kế dầm, móng trụ cầu Thăng Long. Thời đó ứng dụng máy tình còn rất mới và được ông Nguyễn Phúc Trí (Viện trưởng) ủng hộ và khuyến khích, tạo mọi điều kiện để phát triển. Đặc biệt chương trình tính toán móng cọc được ứng dụng nhiều nhất trong tính toán móng cọc ống mố, trụ cầu dẫn cầu Thăng Long. Ông Trí đã có ý đồ cho đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng do thời đó Bộ giao thông có quy định, học nghiên cứu sinh chỉ cho cán bộ các viện hoặc trường đại học, còn làm việc tại công trường xây dựng thì chỉ có chế độ đi thực tập sinh. Do vậy được đi thực tập tại Liên Xô, thủ đô Matscova 1 tháng (khoảng tháng 2/1982) về thiết kế cầu lớn. Sang đó nghe giảng về lý thuyết mới về thiết kế cầu thép dạng bản trực hướng (Othotrop). Trong thời gian thực tập, được nghe trình bày về phần mềm tính toán kết cấu không gian vạn năng (Prokuct), trong đó có cả kết cấu bản trực hướng. Liên hệ với mấy anh bạn người Nga, thì được khuyên, cứ cho 2 chai Vodka là xin được. Sau nói với ông Đặng Trần Khiết (Trưởng đoàn) và được sự đồng ý chi. Sau xin được thật, ở dạng băng từ (Hồi đó chưa có đĩa CD) và tài liệu hướng dẫn sử dụng, băng từ trong hộp nhựa hình tròn đường kính khoảng 30cm. Khi về phải bọc trong tờ báo Pravda (Báo sự thật của Đảng cộng sản Liên Xô) và để trong túi lưới nhựa cùng táo, thế là qua được hải quan mà không bị phát hiện. Về Việt Nam, phải chạy trên máy tính IBM 360-50 của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất mới tương thích. Chương trình này cũng đã được dùng tính toán trong giai đoạn thi công của cầu Thăng Long và tính kiểm toán cho thiết kế nhà ga sân bay Nội Bài do ông Võ thành Nghĩa (Việt kiều ở Pháp) thiết kế, công trình này do hàng không Việt Nam hợp đồng với TEDI để tính kiểm tra.

    Truyện 2


     Còn kỷ niệm nữa của nước Nga: Vào thời đó với người Việt thì nước Nga là thiên đường. Mà đúng thế thật, đến thăm điện Kremlin, quảng trường đỏ, khu siêu thị GUM thật hoành tráng, ở Việt Nam không thể tưởng tượng được vì hoành tráng, vĩ đại và đẹp biết nhường nào. Đi vào dịp mùa đông, nên lần đầu tiên được biết tuyết nước Nga như thế nào, lúc đó nhiệt độ ngoài trời khoảng âm 20oC, tuyết dày khoảng 30cm, ở các vị trí trước cổng vào nhà ga tầu điện ngầm là không có tuyết, nghe nói tại vị trí đó có đường ống điện, khí đốt nên nóng, không tụ tuyết được. Có lần đi mua sắm ở GUM, về lúc chiều muộn. Lúc ra cửa tuyết dày đặc, gió lạnh cóng người, đột nhiên thấy có cụ bà già, tóc bạc trắng đang đứng ở cửa ngửa tay ăn xin. Tâm trạng mình lúc đó thật bàng hoàng, xúc động vì không thể tưởng tượng nổi ở nước Nga vĩ đại như vậy, biểu tượng thiên đường của chủ nghĩa cộng sản lại có người ăn xin. Lục túi có bao nhiêu tiền lẻ (Dạng xu) lôi ra hết và cho cụ. Xúc động thực sự như khi lần đầu tiên thấy điện Kremlin.
        
    Truyện 3

     Đến Matscova, thế nào lại gặp anh bạn học cùng lớp 10 Chu văn An đang làm nghiên cứu sinh Chử Văn Lâm, ngày nghỉ bạn mời đến thăm kí túc sá, mời ăn trưa. Chỉ có đơn giản gồm gà nướng, dưa chuột muối quả to đùng (Không phải bao tử như ở Việt Nam) và bia chai. Bữa đó ngon đến mức nhớ đến tận bây giờ.   


Nước Anh

 
     Khoảng năm 1991, TEDI có dự án UNDP VIE 88/014 (Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc-United Nation Development Program) về nghiên cứu sa bồi cảng Hải Phòng. Ông Maurice Crickmore người Anh làm cố vấn trưởng. Ông Crickmore làm việc với Viện trưởng (Ông Đào Xuân Lâm) về việc chuẩn bị cho đoàn đi thực tập 3 tháng tại Hydraulic Reseach Wallingford (Viện nghiên cứu thủy lực Anh quốc). Ngoài các kỹ sư đường thủy, khảo sát biển, điện tử còn rất cần kỹ sư hiểu biết về tin học (máy vi tính). Ông Lâm đề xuất, có ông Dũng làm việc chuyên về tin học, ông Crickmore đã sang phòng máy tính, vừa hỏi chuyện vừa phỏng vấn khoảng hơn 1 giờ. Sau đó gặp lại ông Lâm và đề nghị cho ông Dũng tham gia đoàn thực tập. Có 3 người cần làm ngay thủ tục xin Visa là ông Chiến (thư ký dự án), ông Quang (Kỹ sư điện tử) và ông Dũng phần mềm.. Còn 3 người khác sẽ chuẩn bị sau (Bùi Tuấn- thủy văn, Mai Tuấn – khảo sát, Chính – đường thủy). Sau đó anh em phải đi kiểm tra tiếng Anh do Bộ khoa học công nghệ tổ chức.
      
     Dũng có nhiều kỷ niệm ở các nước đã qua: Lào, Úc, Campuchia, Trung Quốc, Srilanca,Tanazania, Thái  Lan,7 nước Châu Âu (sau khi nghỉ hưu)....


oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo
oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo

Chuyện của Đào

Thanh Đào, do đặc thù nghề nghiệp, có điều kiện đi lại khắp cả nước. Những chuyện của phóng viên này kể không chỉ tràn ngập vui nhộn mà còn mang lại nhiều khám phá về vùng miền, văn hóa và con người. TaoLaoGa đăng các bài của Đào trên tinh thần: “Nguyên si bản gốc”

1. Thắng rồi!
                                                                 “Hôm nay Tuấn có khỏe không?”
Lần nào gặp Cảnh sát giao thông Tiều cũng thua.
Hôm nay đẹp trời, gió hiu hiu thổi. Mát ga, xe Tiều bon bon trên đường. Rồi bỗng dưng đôi cảnh sát áo vàng xuất hiện như có tài độn thổ. Công dân Tiều ngán ngẩm thấy mình sắp lại thua.
-          Sai gì biết không? – Tay cảnh sát vừa hỏi vừa giơ tay chào thật nghiêm nghị.
-          Đằng nào cũng sai. Vậy hôm nay sai gì?
-          Anh vượt quá tốc độ cho phép 80km/h.
-          Hi hi, vượt sao được đồng chí cảnh sát ơi! Mời đồng chí lên xe lái thử. Đồng chí có đạp tẹt ga, đạp cả hai chân, xe cũng không quá 80 km/h. Mọi ngày thì sai chứ hôm nay thì không thể! 
-          Anh tự tin quá!
-          Sao không nhỉ vì chính tôi đã chỉnh cữ ga không quá 80km/h. Hay đồng chí rủ thêm đồng đội của mình lên đạp cùng cho chắc chắn.
-          Thế thì hôm nay thua anh rồi.
-          Thì tôi thua anh mãi. Cũng phải có lần trong đời anh cho tôi thắng chứ.


2. Cầu thủ thiếu nhi… lông gì cũng có

Bẵng đi mấy năm, nay lại rộ lên chuyện ăn gian tuổi ở giải bóng đá thiếu nhi. Hai cầu thú nhí U11 …rậm ria mép của đội Bạc L. tung hoành sân cỏ bị phát hiện đứng tên hai “nhi đồng thối tai” đang bận học quê nhà. Thì ra “Công tử Bạc L.” tay chơi một thời nay đốt tiền …xăm xoi thành tích. Tay phóng viên truyền hình không rõ vô tình hay cố ý lia ống kính đến cẳng giò của mấy cầu thủ nhí “cao niên”. Ống đồng nổi căng, bắp chân cuồn cuộn, lông lá tua tủa.
Ông Vẹn, từng làm trọng tài căng cờ U11 mấy năm trước lên tiếng: “Ăn thua gì, vào phòng thay đồ thấy “chim” nhí ngồng ngộng, đen xì”
Nhớ trận trung kết U15 năm nào, khi cầu thủ số 9 của đội Phòng H.  đang dẫn bóng lao lên như tên lửa, một nhóm khán giả trên khán đài đã hét toáng lên: “Cẩn thận! thằng này mới lấy vợ đấy!”
Đồng bào cả nước đã từng ê chề khi bị các tuyển thủ quốc gia con cưng bán độ. Có thể những cầu thủ này đã từng trong veo trước khi bị một số đồng bào, đồng chí người lớn làm cho vẩn đục ở mấy giải U.