Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

* TAI NGHE TỰ LUYỆN

                                                                                                                   Tặng G.WSP

Vì gà không để đâu cho hết nên mãi gần đây bà con nói chung mới biết thế nào là “Burn in tai nghe”.
“Burn in tai nghe” hay “Rà tai nghe” hoặc “Tai nghe tự luyện” chính là thủ thuật làm cho gân cốt màng loa tai nghe mềm mại bằng cách cho nó “nghe luyện” âm nhạc cỡ khoảng 100-200 giờ. Trong thời gian luyện tập có người thích đeo tai nghe để được cảm nhận từ từ sự thay đổi của người bạn chuyên thủ thỉ. Cũng có người quyết không nghe dù chỉ một lần vì muốn đợi đến cùng sự hoàn hảo. Tai nghe được luyện kỹ sẽ trở nên uyển chuyển và trung thực thể hiện mọi cung bậc của âm thanh. Tai nghe càng tinh vi đắt tiền thì việc “tự luyện” càng được khuyến cáo. Điều này cũng hợp lý thôi vì một tai nghe loàng xoàng, nguồn gốc và tư chất tăm tối thì dù có luyện kiểu gì thì nó không cất lời một cách ngỗ ngược đã được coi là may mắn.
Anh bạn tên Giăng vốn mê mệt công nghệ âm thanh cao cấp. Tuy đã sở hữu cả chục cặp tai nghe khác nhau nhưng khi vừa nghe thấy cuộc đời chào mời bộ headphone “chỉ dành cho tay chơi chính hiệu” là anh đã lao ra cửa hàng.
Bộ tai nghe cốt cách Châu Âu làm anh say đắm từ cái nhìn đầu tiên: dáng khôn, mặt đẹp, thanh thoát mà đanh thép, đơn giản mà quý phái. Tiếng của nó thì thôi rồi: lanh canh, lao xao, lào phào, lảnh lói, nó chẳng bỏ sót gì, vừa đầy đặn vừa tinh tế. “Tiềm năng thế này mà thêm burn in thì rồi ta sẽ có một tuyệt kỹ âm thanh” – Giăng sung sướng nhủ thầm và xuống tiền không do dự dù cho nó đắt gấp 10 lần tai nghe bình dân.
Để có đủ 200 giờ tinh luyện, hàng ngày Giăng đến văn phòng thật sớm để khởi động máy tính cho tai nghe. Hồi hộp chờ đợi cả tháng trời khiến anh biếng ăn, kém ngủ. Cũng vài lần sốt ruột Giăng định nhổ tai nghe thử nhưng rồi lại dằn lòng: “Hãy kiên nhẫn! Một lần cho mãi mãi. Rồi sẽ đến ngày bạn ta đắc đạo”
Tháng trời đằng đẵng trôi qua. Đúng ngày, đúng giờ, Giăng sốt sắng cắm tai nghe vào chiếc Ipod thường dùng. Anh nín thở. Nhạc nổi lên rồi…Tim Giăng như ngừng đập…Trời ơi! Sao thế này! Anh không tin vào đôi tai của mình! Vẫn bản “Walking on the moon” của Sting vốn phiêu diêu, nồng nàn đậm chất Jazz mọi ngày mà giờ sao nghe luyến láy, thê lương đến vậy. Tiếng hát lèo xèo còn trống phách thì tắc bọp, nghe lèng phèng xập xệ. Chỉnh máy, lay jắc cắm, thay cả máy nghe nhạc cũng không hơn gì. Đêm đó Giăng trằn trọc…
Sáng ra anh lao đến văn phòng từ tờ mờ sáng, bật máy và cắm tai nghe để nghe lại bài luyện. Cái tai nghe như chỉ đợi có vậy. Một giọng ca tài tử lâm ly vút lên, thống thiết lời ca, tưng tửng tiếng đờn như hiển hiện đâu đây người nghệ sĩ miệt vườn tóc dài, mắt sáng, cổ cò ngân giọng cùng tiếng đàn thổn thức héo ruột héo gan. Giăng giật mình. Ở đâu ra bản đờn ca này trong máy anh? Thôi chết rồi! Tháng trước anh cho mấy tay cán bộ miền Tây Nam Bộ ra họp sử dụng máy tính của mình. Rõ là anh đã tình cờ bắt tai nghe luyện cả tháng trời bản đờn ca này nên giờ nó đã thấm vão từng “đường gân, thớ thịt” của người bạn trẻ đầy nhiệt huyết mới bước vào nghiệp cầm ca. Nó ngấm sâu tới mức định hình luôn phong cách bạn anh. Nó khiến cho người bạn đắt tiền và chan chứa hy vọng của anh cất lời một cách bản năng khi vừa gặp đờn ca tài tử nhưng lại thờ ơ trước các âm nhạc khác.
Giăng rầu rĩ rút tai nghe khỏi máy. Giọng ca tài tử òa ra khắp phòng. Đúng đoạn “đổ” mùi mẫm nhất làm ngơ ngác cả văn phòng: “Ới anh ơi, ngày mai anh đi rồi thì hồn tử sĩ gió ù ù thổi…tang tang, tính tính, tang tính tình…”
                                                                             Đỗ Huân  - 4.2011