Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

HÀ NỘI THU, MỘT NGÀY...


Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai có bán tại 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ Hà Nội

Một ngày sau bão Sơn Tinh, một ngày trước bão Sandy…Chủ Nhật, 28.10.2012.
Định vác máy đi chụp hoành tráng một mẻ ảnh Thu Hà Nội. Trong đầu bao dự định…Thế rồi rùng mình thấy hao tổn sức lực. Nẩy ra ý định vác máy, đạp xe đi uống cafe. Trên đường đi về gặp gì chụp nấy.
Đường đi thế này: Võng Thị - Đường Ven Hồ - Điện Biên – Cửa Nam – Yết Kiêu – Hoàng Diệu – Hoàng Hoa Thám – Bưởi – Võng Thị…
Ảnh không sửa sang, máy ảnh còi Canon REBEL…


8h12 a.m Đường Ven hồ mưa nhẹ - không một bóng người....

Rồi gặp một đôi, áo mưa đi chơi. 
Đôi này trông có vẻ happy...phóng tẹt ga.

Trên Hồ Tây người ta đang đánh cá...


(Còn tiếp...Phải đưa con đi học 6h37 a.m 31.10)

Qua Chùa Sải - có cây Bồ Đề trước cửa.
Mùa hè dân tình nằm trên bệ đá quanh gốc cây hóng mát và gió.
Không rõ vì sao chùa mới cho mở dịch vụ rửa xe trong sân chùa...




Rồi bỗng nghe thấy tiếng vĩ cầm mới tập.
Có cô bé đang tập đàn dưới gốc đa cổ thụ ven hồ
"Bác chụp ảnh nhé? Có ảnh không bác? Có email không?"
Nhưng rồi  không thể thấy email  đã ghi trong điện thoại.
Làm sao gửi ảnh được bây giờ?...

Nhà hàng chuyên ốc đã sẵn sàng. Chiều thường đông kẹt đường...
Ăn ốc nói mò là thứ khoái khẩu của mọi tầng lớp Việt...

8h38 a.m. sân vườn hoa Lý Tự Trọng. Mưa nhỏ.
Thường các sáng Chủ Nhật đông nghẹt người nhẩy đầm tại đây...

Mới thấy đám khách du lịch Trung Quốc trước cửa lăng...

10h47 a.m. NGỒI QUÁN CAFE 2 TIẾNG.
Chia tay ông bạn, vị khách cuối cùng dời quán...

Kỳ đài Hà Nội...một dạng với Kỳ đài Huế, Thành cổ Sơn Tây...

Hàng cây đường Hoàng Diệu.
Mưa, nắng, bão,
Xuân Hạ Thu Đông, trung thân đẹp 

Nhà Quốc Hội mới đang lên hình...

Tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc nơi vợ chồng Tổng thống Bush  từng đi lễ.
Nhà thờ đối diện với...

...cổng thành Cửa Bắc, nơi còn in vết đạn thần công
của viễn chinh Pháp 2 thế kỷ trước...

Phố Quán Thánh đâu còn vắng vẻ như xưa...

Vườn hoa  phố Mai Văn Thưởng.
Có biển "Cấm tụ tập đông người", dây chăng quanh.
Nơi đây nông dân thường đổ về vì chuyện đất đai.
Nhìn sang bên đường là Văn  Phòng chính phủ...

Đường Hoàng Hoa Thám.
Bên trái là Bách Thảo nơi có nhiều gỗ Sưa nổi danh...

Rồi bỗng gặp đôi cò ngơ ngác đứng 2 chân vỉa hè. 
Cò bị rao bán cùng với đám chim rừng đủ loại...

Đối diện kia đường là một con vi khuẩn da cam và
một bác xe ôm ngóng khách...

...không xa, các ma la canh kiên nhẫn đứng trước cửa nhà...

Đứng trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám mới xong nhìn xuống Phố Văn Cao  

Một xưởng lâu đời hàn xe máy và hàn đủ thứ...
Ông chủ quán sẵn sàng phun lửa theo yêu cầu cho đẹp ảnh
"Bác cho em xin một bức ảnh?"
"Cứ tự nhiên!"
Rừng ở đây cả...

Cửa hàng cây quen. Bà chủ phúc hậu - Nghệ sỹ Thu An (?)
mất năm ngoái nay cô con gái  thay mẹ...

Rẽ vào ngõ về nhà...
Một chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch...

11h51 a.m. Ngõ nhỏ muôn mặt đời thường.
Từng là làng nổi tiếng làm giấy "nhịp chày Yên Thái, Canh  Gà Thọ Xương..."
Sắp về đến nhà...

Về đến nhà ... lang thang 3 GIỜ 39 PHÚT TRÊN ĐƯỜNG...mệt nhoài...

SÁNG HÔM SAU 29.10.2012
6h10 a.m. Hồ Tây có những đám mây rất lạ...

6h32 a.m.
Dễ đến 8 năm sống ven hồ mới thấy có bình minh lạ thế này.
Lúc này là bão SANDY bên kia trái đất...

Photo: Do Huan
Gà viết sách Gà


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

KHI MÀ GIUN ĐẤT BAY LÊN



                                                                                                                                                      Photo: Do Huan
(Đăng lại nhân dịp hè nhà đang đào...)

Ngày đó, cũng mới cách đây mấy chục năm, rồng phàn nàn: “Ta giờ nhiều trọng trách quá, chỉ riêng chuyện đi ăn giỗ, dự lễ hội và bay vật vờ đã oải hết người. Tuổi cao, sức yếu thấy mình ôm đồm nhiều thứ nên muốn trao lại chức danh linh vật cho các đồng nghiệp trẻ tuổi…”

Ý nguyện rồng ai dám cãi. Thế là Hà Nội tổ chức Đấu thầu rộng rãi nhằm tìm ra ứng viên sáng giá. Đủ cả tham chiếu, mời thầu, mở thầu, xét thầu

Cơ hội thay Rồng trở thành Linh vật của Thủ đô khiến hổ, báo, voi, ngựa, trâu, bò, gà, lợn…lũ lượt kéo tới mua Hồ sơ thầu. Nhưng khi xem đến các  tiêu chí đánh giá thì tất cả đều bỏ của chạy lấy người…

Số là hồi đó Giun Đất có tay trong là người nhà tại Ban quản lý Dự án nên các tiêu chí đều “định hướng Giun". Không phải Giun kim, Giun móc mà đích xác Giun Đất - Giun có trình độ kinh nghiệm đào đất.

Lọt vào Danh sách ngắn là 3 cái tên: Dã Tràng, Dế Dũi và Giun Đất.

 Ban xét thầu, đã làm việc công tâm thâu đêm suốt sáng…

Đầu tiên Dã Tràng bị loại vì tuy có chuyên môn đào bới nhưng lại chỉ có kinh nghiệm “Xe cát Biển Đông” trong môi trường nước biển rì rào không thích hợp với Hà Nội.

Còn lại cuộc đua song mã “kẻ 8 lạng, người nửa cân” giữa Giun và Dế. Cuối cùng Giun Đất là người giành được hợp đồng vì đáp ứng cả tiêu chí có ngoại hình gần với Rồng. Về điểm này, thân hình ngoằn ngoèo, uốn lượn của Giun ăn đứt Dế.

Người ta kháo nhau rằng cả Dế Dũi lẫn Dã Tràng đều là “Quân xanh, quân đỏ” của Giun.

Lại kháo: mấy chục năm qua, có nhiều cuộc đấu thầu nhưng Giun Đất luôn trúng thầu vì về mặt giống Rồng, đặc biệt yếu tố vô chim và vô lo, Giun Đất là vô đối!

Người ta cũng kháo nhau rằng từ ngày Giun trở thành linh vật cổ thành, Hà nội bắt đầu khoái đào đường

 
Hà Nội đại công trường đào vỉa hè
Hà Nội nghiện thay gạch vỉa hè.
Gạch sau nhanh thay hơn gạch trước...

Người Hà Nội sống chung với vỉa hè đào
Một vỉa hè thu Hà Nội.
Đối diện cũng là một công trường "vỉa" nơi  tác giả ngồi viết bài này...
           
                                                                                                         10.2012
                                                                                                         TaoLaoGa

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

TỰ DƯNG, TỰ SƯỚNG, TỰ SẢN, TỰ TIÊU…


"Tào Lao Gà" pdf tải miễn phí Tại đây

Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai hiện bán tại Nhà sách 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ  (Hà Nội)
và Nhà sách 104 Nguyễn Văn Cừ (HCMC)


Nước Châu Á nọ nổi danh với các sản phẩm TỰ sản, TỰ tiêu là TỰ sướng và TỰ phê bình.
Nội các nước này cực kỳ ham học, đặc biệt học tập tại các nước văn minh để trau dồi nhãn quan, trí tuệ và kỹ năng. “Tuy phải mạnh tay chi tiền thuế của dân nhưng học tập giỏi giang giúp chúng ta có điều kiện quay về phục vụ tốt hơn nhân dân yêu quý!” –  Thành viên nội các thường TỰ bộc bạch.
Học đủ thứ dòng dã nhiều năm đến mức năm nay không còn biết nên xuất ngoại học gì. Cuối cùng người đứng đầu nội các lên tiếng: “Kiến thức và kinh nghiệm của chúng ta về nhiều mặt đủ làm thầy thiên hạ chỉ có TỰ từ chức là chúng ta còn thiếu kinh nghiệm. Chúng ta quyết học để đuổi kịp trình độ từ chức của Khu vực và Thế giới”.
Thế là nổ vang trời nên đi đâu học cho đáng đồng tiền bát gạo. 
Có ý kiến cho rằng: “Cứ qua mấy nước quanh ta học cho tiện. Văn hóa, khẩu vị same same”; 
Không được! Giống như bóng đá, kinh nghiệm TỰ từ chức của mấy tay hàng xóm cũng chỉ là chỗ trũng của thế gian, phọt phẹt lắm. Xét trong thiên hạ chỉ có Ý Đại Lợi và Phú Lang Sa là đáng học. Nước Ý nội các thay như cơm bữa, có tới 20 lần trong vòng 30 năm qua, chủ yếu do từ chức. Nước Nhật còn khiếp hơn, chỉ vì một phát ngôn bất cẩn nguyên thủ nước này đã lên TV cúi gập người đỏ mặt xin lỗi quốc dân, đồng bào rồi từ nhiệm sở. Văn minh như thế quả đáng khăn gói, quả mướp dùi mài nghiền ngẫm”.
Thế là 100 vị hăm hở lên đường: 50 vị vượt rừng núi tới Italy, 50 vị vượt biển khơi sang Nhật Bản. Dân chúng ở nhà bồn chồn đợi chờ những người con ưu tú…
3 tháng trời rồi cũng trôi qua. Những người con đã trở về…Cả nước háo hức mong được nghe những điều đã học…Nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu…chỉ thấy những câu chuyện lâm li về những thiếu nữ nhỏ nhắn xinh đẹp chân dài rám nắng Địa Trung Hải, những trải nghiệm Cosa Nostra (Mafia Italy) rồi chuyện Sushi, Geisha, Samurai mổ bụng phanh thây xứ Hoa Anh Đào.
Sự thật cuối cùng cũng hé lộ. Cả ItalyJapan không nơi nào có dạy TỰ từ chức.
Dân Ý, Châu Âu xịn thì thẳng thắn “Để biết từ chức, trước tiên phải biết TỰ vả vào mặt mình!
Còn người Nhật vốn tế nhị nên bóng gió: “Nước các ngài từng thiếu gì các trí sĩ sáng láng, thanh cao, sẵn sàng treo ấn từ quan khi thấy mình mắc tội, không đủ trí khí hoặc bất lực. Đã chót sang đây tranh thủ mà thăm thú Nhật Bản. Việc học thì các vị có thể TỰ học lấy trong sử của mình. Văn hóa này không TỰ dưng mà có, để biết TỰ từ chức, quan trọng nhất là phải biết TỰ trọng

                                                                                        Ha Noi 10.2012

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

NIỀM TỰ HÀO CỦA BẦY CỪU

"Tào Lao Gà" pdf tải miễn phí Tại đây

Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai hiện bán tại Nhà sách 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ  (Hà Nội)
và Nhà sách 104 Nguyễn Văn Cừ (HCMC)
Đồng cỏ xác xơ, nước ngầu bùn đỏ còn chuồng trại thì tiêu điều làm đám cừu gầy dơ xương và chểnh mảng hiến tế lũ cừu non cho bầy sói.
Sống bằng cừu hiến tế, lũ sói đỏ mắt họp bàn đối phó. Chúng rằng: “Cứ thế này thì rồi cừu còi cọc  cũng không có mà xơi, hơn nữa, đám cừu giờ kém vâng lời, lan man lề trái và ngày càng trở nên nguy hiểm”.
Sói họp nhiều nhưng chưa bao giờ họp thật nên nửa tháng trời vẫn…họp, đành nhờ các cố vấn dâng mưu. Cáo đuôi dài, cố vấn trưởng dụt dè:
“Xin được nói thật”;
“Cứ tự nhiên! Ngươi được thuê để lên tiếng”;
“Đến nước này phải có một sói đứng ra nhận lỗi yếu kém chăm lo chuồng trại  thì may ra đám cừu ngu si mới bớt sục sôi”
Lũ sói ngẩn mặt nhìn nhau rồi nhìn Cáo: “Vậy ai sẽ đứng ra nhận tội?”
 “Người mà Ai cũng Biết là Ai”
Sói “Người mà Ai cũng Biết là Ai” hú dài: “Đùa chăng?! Từ xưa tới nay chỉ có lũ cừu là có tội” và dọa sẽ bỏ bầy mà đi khiến cả bầy sói lo lắng hướng về Cáo ngóng đợi. Cáo nhanh nhẩu:
“Xin được hiến kế”;
“Cứ tự nhiên! Ngươi được thuê để lên tiếng”;
 “Không nhận tội thì sói nên nhận khuyến điểm rồi phán cừu luận tội mình”
Lũ Sói ầm ừ nhận lỗi tập thể và bảo cừu luận tội.
Lời  thỉnh cầu của sói khiến cừu run bắn cả lũ: “Cừu chúng con đâu dám luận tội ai. Lần đầu tiên trong đời thấy có người nhận lỗi với mình chúng con cảm động lắm. Chúng con rất đỗi tự hào!”.
Thế rồi đám cừu sục sôi chuyển sang nhảy múa, ca hát như thể chúng vừa có đồng cỏ xanh mướt, nước suối trong mát và thoát cảnh bần hàn.

Lúc mà Cừu nhảy múa thì bầy Sói ra lệnh ăn thịt Cáo.
 “Vì sao Cáo tôi phải chết?”
“Vì Sói có tội với cừu bao giờ?!” – Lũ Sói đồng thanh!

                                                                                 10.2012

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

THẦN CÂY TÔI GẶP...

"Tào Lao Gà" pdf tải miễn phí Tại đây

Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai hiện bán tại Nhà sách 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ  (Hà Nội)
và Nhà sách 104 Nguyễn Văn Cừ (HCMC)

Thần cây...Những gì Bắc Bộ đồng bằng...
                                                                                                                                              Photo: Đỗ Huân

Khi nghìn tuổi cây trở thành thần.
Còn hơn cả viếng chùa thiêng, nơi thường quá nhiều truyền thuyết, khi đứng dưới bóng cây thần, ta luôn có một cảm giác thật đặc biệt. Cảm giác vừa hiện hữu vừa lung linh.
500, 700, 1000 năm tuổi mà nay còn tỏa bóng, các thần cây đã sẵn quyền năng trong mình. Quyền năng của tạo hóa. Quyền năng của lịch sử.
Tôi đã được gặp một vài vị thần như vậy.

Cây Đa Ngô Quyền tự tay trồng trước đền thờ
Hai Bà Trưng ở Cổ Loa (chụp 1997)
Đây là Cây đa Đền Hai Bà Trưng, tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền là cây do Ngô Quyền tự tay trồng trước Đền thờ Hai Bà. Tôi đã hai lần thăm Cổ Loa và cả hai lần đều run rẩy dưới bóng cây thần. Run rẩy vì trước mắt mình hiển hiện mối tâm giao nghì năm của Vua Bà và Vua Ông, hai vị Vua lừng lẫy nhất lịch sử Đại Việt.
Hai lần viếng thăm cách nhau có 5 năm. Lần đầu (khoảng 1992) cây còn xanh tốt, tiếc không có máy ảnh mang theo, nhưng đến lần hai (khoảng 1997) thì thần cây còn như trong ảnh.
Bổn phận của các thần dân là cung kính các vị thần. Thế nhưng ở Cổ Loa thì không. Họ tuy không báng bổ nhưng lại hờ hững và cẩu thả với các thần. Cây đã bị các lò gạch quanh vùng làm cho tàn tạ. Thần dân tham lợi, kém hiểu biết, chính quyền thì hình thức ầm ừ. Đến khi nhận ra, chữa chạy (trong ảnh còn nhìn thấy cột bê tông đỡ) thì đã muộn. Thần đã ra đi sau đó vài năm bỏ lại đám người bận bịu ồn ã các dự án, hồ sơ bảo vệ di sản…

Tôi tự hỏi, phải chăng thần cây do Ngô Quyền trồng tưởng nhớ Hai Bà Trưng không hẳn là di sản đối với họ?!

Cây Chò Chỉ rừng Cúc Phương. Ống kính còi nên chỉ chụp được 
một phần gốc (Chụp 2001)
Còn đây là một phần gốc Cây Chò Chỉ rừng Cúc Phương. Cây chụp năm 2001. Hồi đó Cúc Phương mới mở du lịch, còn nghiêm chỉnh, phải đi quanh co xuyên rừng cả tiếng mới gặp được Thần. Dọc đường vô vàn cây lớn nhưng khi gặp Thần ta bỗng có cảm giác phi thường, chóang ngợp. Choáng ngợp gặp chủ soái của rừng. Gốc thần đủ chỗ cho cả đám người ôm. Ta như sống lại cảm giác đứng dưới chân tháp truyền hình Ostankino ở Moscow năm nào. Chỉ khác, tháp truyền hình bê tông xám xịt còn thần cây sừng sững giữa đại ngàn xanh rì rào. Còn nghe lao xao đám trẻ tuổi teen cười đùa hồn nhiên  dưới gốc cây thần năm nào. Giờ này chắc chúng đã trưởng thành?

Bụi Ruối Làng Đường Lâm, đất "Hai Vua" - Bố Cái Đại Vương
và Ngô Quyền (Ảnh chụp 2007)
Ảnh bên ghi lại một vài cây trong mấy chục cây Duối cổ chụp năm 2007 ở làng Đường Lâm, Sơn Tây - “Đất Hai Vua”. Dã sử ghi nhận Ngô Quyền đã từng buộc voi, ngựa tại đây. Hàng Duối xanh đậm, cổ kính, thân hình sù sì khác thường chạy dài ven con sông nhỏ. Đứng dưới tán cây xum xuê ta không khỏi tưởng nhớ tới Vị Vua đã cưỡi thuyền dẫn quân, cắm cọc, đánh tan quân Nam Hán năm xưa.
Khác với dân chúng Cổ Loa, các thần dân nơi đây nâng niu rặng Duối Thần. Khi xe chúng tôi tới đỗ dưới tán cây, có một đám trai làng đi theo. Họ không làm gì căng thẳng nhưng dễ nhận ra họ cảnh giác trông chừng. Sau mới biết, theo hương ước, họ là con cháu làng tình nguyện bảo vệ thần cây.

Hai Cây Duối cổ bên dưới chụp cách đây hơn tháng tại Làng Trần Xá, Nam Sách, Hải Dương. Địa danh “Trần Xã” đã từng được ghi trong “Đại Việt Sử ký” về nơi Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn họp với tướng lĩnh bàn kế dẹp xâm lược Tống tại bến Bình Than. 
Hai cây Duối cổ Làng Trần Xá, Nam Sách, Hải Dương (Chụp Tháng 9,2012)
Tôi đã lang thang ở vùng Lục Đầu Giang này nhiều lần cốt để tìm hiểu đâu thực sự là bến Bình Than, câu trả lời mà bao nhà sử học có máu mặt đã đến ăn cơm chém gió nhiều lần vùng này vẫn chưa giải đáp được. Đương nhiên, lìu tìu như tôi sao luận nổi. Tuy nhiên, cũng vì đi đây đó mà tôi được biết thêm nhiều điều, biết về Thần cây, nơi truyền rằng Tướng sỹ của Trần Hưng Đạo đã từng ngả lưng, buộc ngựa. Không rõ hư thực đến đâu (vì cả cái bến to đùng còn không tìm ra), nhưng tôi nhận thấy dân chúng khắp vùng đều biết danh hai Thần Duối và lời lẽ họ dành cho các Thần vô cùng cung kính.
Vào buổi chiều tà, tôi đã vượt sông tới đây, tiếp kiến hai vị Thần và thắp một nén hương…

Một đất nước cần được phù hộ bởi các vị thần. Các Thần Cây là các vị thần hồn nhiên và khả kính nhất.


                                                    Đỗ Huân - Gà viết sách Gà