Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

* JANE


          Sách "Tào Lao Gà" tải miễn phí Tại đây                                                                                                                                                                            


Jane đến Hà Nội! Tin loan đi làm Tầm và đám bạn phấn khích lắm. Có thông báo hẳn hoi: “Jane là diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng, chiến sỹ đấu tranh vì hòa bình, nhà trường khuyến khích các em học sinh đi đón…”. Còn ông anh họ của Tầm xem ảnh Jane thì quả quyết:  “Jane đẹp mê hồn!” và ông ước ao: “Giá như trong đời dù chỉ một lần ta được ôm hôn nàng nhỉ?!”.
Đối với một cậu bé 15 tuổi như Tầm, những khoa trương vô biên của ông anh về phụ nữ luôn làm cậu háo hức. Lần này cũng vậy, sự suýt xoa làm Tầm mong ngóng gặp Jane. Thời chiến chỉ sẵn còi báo động và máy bay gầm rú khiến việc được tận mắt thấy một người đẹp Mỹ làm Hà Nội háo hức. Nhiều người đổ về Văn Miếu mong được gặp Jane. Người ta xô đẩy, chen lấn, luồn lách, chỉ chỏ cốt được nhìn ngắm tài tử của mình. Người đông ùn ùn khiến Tầm nào thấy Jane đâu. Cậu thất vọng lắm.
Rồi trời bỗng đổ mưa xối xả khiến phần lớn đám đông trôi dạt. Chính cái thời khắc ngắn ngủi tầm tã đó Tầm may mắn được gặp Jane khi nàng và mấy người đi cùng tạt vội trú mưa dưới vòm cổng Văn Miếu. Tầm nhớ cái cảm giác Jane vô tình chạm nhẹ vào mình và nụ cười của nàng với cậu như vừa để xin lỗi, vừa để làm thân. Tầm không ngờ mình lại gần Jane đến vậy. Cậu cảm sâu lắm mùi hương từ Jane. Mùi hương không thể gọi tên. Mấy chục năm nay thỉnh thoảng Tầm vẫn thảng thốt mùi hương đó. Rồi cả hơi ấm của nàng như cũng lan tỏa sang Tầm. Rồi khuôn mặt rạng ngời, làn môi thắm đỏ và đôi mắt xanh sống động của nàng. Mưa làm cho chiếc áo cánh Jane mặc ướt sũng, bó sát thân hình thon thả làm nổi những đường cong trên ngực nàng. Chưa bao giờ Tầm được rõ ràng những đường cong phụ nữ đến vậy. Tầm bối rối…
Tầm bối rối nhiều ngày sau đó. Trên lớp cậu ngồi lặng trước bài luận “Những cảm tưởng sâu sắc nhất của em về cuộc gặp gỡ …”. Các bạn Tầm viết la liệt về “người chiến sỹ hòa bình” còn cậu thì chống cằm hoang mang. Những rung cảm vừa thực vừa bay bổng vẫn tràn ngập trong Tầm khiến con tim cậu run rẩy. Tầm hiểu là mình không thể viết ra cái cảm giác lung linh, đê mê của mình khi gần nàng, về cái động chạm da thịt thật nhẹ với nàng. Tầm day dứt và lặng thing. Thời gian qua nhanh. Bài làm trắng tinh. Tầm nhận điểm xấu tuyệt đối.
Cả chục năm sau đó, mùi hương ngây ngất cùng những đường cong gợi cảm của Jane làm Tầm vương vấn. Chúng vào cả giấc ngủ của Tầm. Cậu hào hứng tìm kiếm mọi thứ về Jane. Bức chân dung nhỏ xinh của Jane do ông anh tặng được Tầm giữ gìn như báu vật. Đôi mắt nàng luôn nhìn Tầm mênh mông xanh thẳm. Mãi sau này, phải nhờ cậy nhiều lắm Tầm mới có cơ hội được xem một phim có Jane thủ vai. Một Jane bắn súng, phóng xe đầu tiên làm Tầm thích thú nhưng rồi bỗng cậu cảm thấy vẫn nụ cười rạng rỡ nhưng có gì đó không hẳn là Jane của cậu. Tầm không xem phim Jane đóng nữa. Thực ra, Tầm cố cưỡng lại chúng. Tầm muốn giữ mãi một Jane thánh thiện, một Jane bay bay dưới trời mưa của tuổi 15.
Chiều nay vợ chồng Tầm đưa con gái chơi tha thẩn trong công viên. Nắng thu vàng miên man. Ngả người mơ màng trên ghế Tầm bỗng thảng thốt gì đó thật nhẹ, thoang thoảng và lay động. Vợ âu yếm hỏi: “Mình sao vậy?”. Tầm giật mình mà rằng: “Không! chỉ là một chút hương xưa, chợt về và chợt tan trong gió thoảng”

                                                                                                            Đỗ Huân    25.8.2011       

* BẮT TAY BIẾT NGAY LÀ RƯỢU


Cụ Hà Nội...
Mấy tỉnh Phía Bắc nay có lệ uống rượu bắt tay. Lệ này công nhận đơn giản: cạn chén rượu, bắt tay nhau một cái.
Cụ Hà Nội gần 90 lên dự đám cưới cháu đích tôn ông thông gia. Đường lên Xứ Lạng quanh co đến nơi vừa suỵt tiệc cưới.
-   Quí hóa quá, có dễ cả chục năm nay cụ mới lên chơi, mời cụ lên mâm trên xơi chén rượu nhạt. Chén rượu này trước tiên mừng ngày hội ngộ, mừng cụ còn hồng hào khỏe mạnh. Cạn chén. Xin bắt tay cụ. Gân cốt cụ còn dẻo dai lắm
-   Còn chén này xin được uống mừng cụ bà còn khỏe. Các anh các chị ăn nên làm ra. Con cháu đầy nhà. Mừng đại gia đình ta đủ cả Phúc, Lộc, Thọ. Kính cụ. Xin bắt tay cụ...
Xong 2 chén rượu. Xong 2 cái bắt tay. Giờ mới được ngắm cỗ bàn. Thịnh soạn đấy. Đủ cả. Con tôm to nhất đĩa được gắp cho cụ Hà Nội.
-   Con mời ông xơi! Món này ăn nóng. Để nguội dễ tanh. Để con bóc vỏ cho ông.
-   Cảm ơn, bóc lấy mới ngon. Có muối chanh không? Có hả. Hay rồi!… - Cụ Hà Nội thò tay bóc tôm.
-   Con chào ông. Ông nhớ con không ạ. Con là Hoàng. Con là cả trong nhà. Anh em con cả chiều qua mong ông lên. Vợ con cứ lo đường sá xa xôi, ông mệt. Trộm vía, nay thấy ông khỏe mạnh tươi tắn, anh em con mừng quá. Con thay mặt các em con uống mừng ông một chén. Rượu con thửa riêng, cất giữ cả năm, êm như ru. Ông cứ yên tâm. Ông tha lỗi cho con. Con rót rượu là cứ phải tràn trề. Con kính ông. Con cạn rồi ông ạ. Con xin bắt tay ông...
Thêm cái bắt tay. Cụ Hà Nội đưa con tôm vào miệng. Định ăn từ nãy, giờ mới có cơ hội. Nước miếng ứa ra…vừa lúc…
-   Khoanh tay chào ông, chào cụ đi các con. Con giới thiệu với ông đây là các cháu gia đình con. Đây là cháu T con bác cả. Cháu X con nhà cô út. Kia là cháu B gọi bác L là dì ruột, học ở Hà Nội, lần trước có đến thăm ông. Con thay mặt các cháu mời ông chén rượu. Chúng con vinh dự quá. Các cháu ngóng ông cả chiều qua. Con xin cạn chén…
-   Cứ để ông từ từ. Ông vừa uống xong.
-   Ông không uống chúng con đâu dám mạn phép.
 Cụ Hà Nội liếc nhìn cả chục thanh thiếu niên lớn bé đang hồi hộp đợi mình ban “phép”. Ông ngửa cổ một hơi.
-   Chúng con chúc ông sức khỏe. Con xin bắt tay ông…
Bốn chén rượu, hai chục cái bắt tay và một con tôm quấy đảo trong bụng làm cụ Hà Nội bắt đầu lơ mơ.
-   Con mời ông xơi miếng thịt gà. Gà ta mềm lắm. Chúng con biết răng ông khỏe như thanh niên mới dám gắp. Trên này gà là cứ quân năm ngón.
-   Năm ngón? Hà Nội ông cũng gà năm ngón. Gà thơm thịt lắm, cắn đâu biết đấy.
Cụ Hà Nội đưa miếng thịt gà vào miệng. Nước miệng lại ứa ra. Vừa lúc…
-   May quá ông đây rồi! Con giới thiệu với ông đây là anh Q, Phó Chủ tịch Tỉnh bạn học phổ thông với con, còn đây là M, bạn thời lính với con, nhà to nhất phố. Đây là anh em cùng cơ quan. Toàn chiến hữu vào sinh ra tử. Nghe tin ông vượt cả trăm cây số lên đây các bạn con cảm động lắm, muốn được chào ông. Chúng con xin uống…
Cụ Hà Nội buông miếng thịt gà:
-   Thứ lỗi nhé, không uống được nhiều. Vừa xong mấy chén. Lơ mơ rồi.
-   Ông chỉ cần nhấp môi thôi ạ. Được uống mừng thọ ông là chúng con vui rồi. Vui quá! Chúng con xin bắt tay ông…
Cụ Hà Nội chùi tay và lần lượt bắt tay các “chiến hữu vào sinh ra tử”. Toàn những người có vai vế. Ai cũng cảm động. Ai cũng hai tay cung kính bắt chặt tay ông. Còn cụ Hà Nội thấy ái ngại: “Người Hy Lạp phát minh ra bắt tay cốt bảo: “Này nhé, tay ta không có vũ khí”. Còn giờ…Tay ta cũng không vũ khí nhưng lại đủ cả tôm, gà…Dầu mỡ lầy nhầy chắc dính tay mọi người. À mà có sao nhỉ? Tay ải, tay ai. Ai cũng đang ăn cả. Xem nào… ngoài gà, tôm còn cả cá, chim, măng miến, mọc, xôi… nào ta đã kịp xơi...”
Rồi Cụ Hà Nội cũng kịp xong miếng thịt gà.
-   Ông thử món măng này. Đặc sản trên con đấy ạ.
-   Măng à, măng là món ông mê. Làm ơn chiêu thêm ít nước canh.
Xong chúc rượu… Ổn rồi! Món măng quả lạ miệng. Cả nước lẫn cái đều ngon. Còn đây là món gì mà trông lạ…
Vừa lúc ngoài cửa có tiếng ồn ã: “Chú rể! Chú rể vào chúc rượu ông!”. Cụ Hà Nội giật bắn mình nhìn ra: Xem nào, comple, cavat, hoa đỏ cài ngực, má đánh phấn hồng…Đúng chú rể rồi còn gì!
-   Ông xá tội cháu. Cháu phải sang bên nhà gái. Trên này chú rể phải hầu rượu cả hai nơi. Giờ cháu mới về được. Mau rót rượu cho ông!
Cụ Hà Nội lẩm bẩm: “Từ chối sao được. Ta lên đây vì đám cưới. Lại còn thông gia, rồi bố chú rể đi kèm đây này”
-   Ừ…Ông chúc mừng cháu nhé!
-   Cháu cảm động quá. Cháu xin được bắt tay ông…
Cụ Hà Nội thở phào: “Lần này chắc hết hẳn bắt tay!Xôi nấu khéo đấy…Lơ mơ rồi. Nhưng hình như lại có ai đang tới?!”
-   Con chào ông ạ! Từ nãy giờ con không dám đến chúc ông. Con đợi. Con là Y, nhà con cũng ở Hà Nội, Phố Hàng Khoai. Con lấy vợ trên này. Con muốn chúc ông chén rượu. Ông ơi! Ông không cần cạn chén. Con xin được uống nốt lộc ông cho.
-   Ta nhớ rồi. Hàng Khoai…Ta chúc con và gia đình sức khỏe - Cụ Hà Nội nhấp hớp rượu, đầu óc thấy bay bay. Các ngón chân rượu chạy rân rân...
-   Thế còn bắt tay? – Cụ Hà Nội ngạc nhiên không thấy thanh niên Hàng Khoai đề nghị bắt tay liền giơ tay chủ động.
-   Dạ con …
Lúc này cụ mới nhìn kỹ người mời.
-   Thương binh hả? Không tay phải thì tay trái! Ta muốn bắt tay con.
-   Con vui quá. Con xin bắt tay ông…

                                                      Đỗ Huân  - 8.2011
                                                                           "Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa..."

* CHỤP ĐẦU SINH THÁI


Dù là một gà điển hình nhưng Tiều mê du lịch sinh thái vì khoái thiên nhiên và những chuyện vui bất ngờ.
Một lần Tiều mua tour từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận. Chuyến đi bằng ô tô 3 ngày 2 đêm đủ cả núi non, sông, biển, tháp Chàm, đồi cát…
Tour mấy chục người cùng chí hướng nên hồ hởi và thân thiện. Nhưng sẽ là không có gì đặc biệt để kể nếu như lần đó thiếu vụ “vệ sinh tập thể”.
Chuyện là sau mấy tiếng đồng hồ ngồi xe vòng vèo, mấy chục con người không chỉ mỏi lưng, tê chân mà còn buồn tiểu tiện. Cơn buồn này đột nhiên cộng hưởng khi có một thằng nhỏ thất thanh: “Bố ơi con buồn đ.ái!”. Du khách như chợt tỉnh. Người người chộn rộn. Chuyện các nhóm đang rôm rả bỗng lịm dần và thay vào đó nhiều người vặn mình, mặt mày ngây dại.
Bác tài quả là dân du lịch có nghề. Bác cho dừng xe và thông báo để bà con hạ thổ “giải quyết nỗi buồn”. Nhìn qua cửa xe Tiều ngạc nhiên lắm vì dọc đường đồng không mông quạnh chỉ vài bụi cây lúp xúp lấy đâu ra chỗ kín đáo cho mấy chục con người. Nhưng ngoài Tiều ra, nào có thấy ai áy náy. Người phụ xe kiêm hướng dẫn viên du lịch nhảy phóc xuống đường và lần lượt phát cho mỗi du khách một túi ni lông đen xì. Chuyển từ ngạc nhiên sang hoang mang Tiều quay sang hỏi một ông đứng tuổi xem túi dùng làm gì. “Thế chú hổng biết sao? Túi dùng để đi tiểu chứ để làm gì”; “Trời! đi vào túi này sao? Đàn ông đã đành. Còn đàn bà, con gái đi cách gì?”; “Bậy nào! Túi dùng để chụp đầu. Còn đi tiểu thì …vẫn vậy”. Chưa hết ngạc nhiên thì Tiều bỗng nghe hướng dẫn viên hô:
-          Vào vị trí! Tiếng hô vừa dứt, mọi người nhanh chóng tỏa đi các nơi.
-          Chú ý! – Mọi người nín thở.
-          Trùm túi! – Mọi người nhất loạt chụp túi lên đầu.
-          Chuẩn bị! – Không khí dồn nén như trước giờ nổ súng.
-          “Tè”! – Khẩu lệnh phát ra. Tất thảy kể cả lái xe, hướng dẫn viên, kẻ đứng, người ngồi nhất loạt “xả lũ”. Nơi réo rắt, chỗ rồm rộp, thật nhiều cung bậc.
Khi mọi tiếng rì rào róc rách ngừng hẳn thì một hiệu lệnh nữa lại vang lên:
-          Cởi túi! - Tất cả đồng loạt nhấc túi ra khỏi đầu. Tiều thấy mặt trời chói lòa trở lại còn trên mặt đất lênh láng mấy chục vũng nước xủi bọt. Không ai xấu hổ. Du lịch bình dân nên người người bình thản. Ai cũng nhẹ nhõm sung sướng.
Tiều phấn khích lắm. Cậu nghĩ mình nhất định sẽ mang “công nghệ tiểu tiện tập thể” về Thủ Đô. Là bí thư cậu không khỏi lo cho hoạt động chi đoàn của cơ quan dạo này èo uột. Tiều sẽ tổ chức dã ngoại. Tiều sẽ đưa “trùm túi, cởi túi” vào chương trình. Mọi người chắc chắn sẽ hào hứng. Hê hê, Tiều sẽ ghi điểm. Nhất định nam nữ thanh niên sẽ đông như trảy hội. Đâu vui nhộn, dù khó, nơi đó có thanh niên.
                                                                                                       Đỗ Huân  - 7.2011
                                                                      

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

* SƯA


 
     Ngày xưa mấy ai để ý đến Sưa. Cây Sưa lác đác mọc dọc vài con phố, mọc ở núi Nùng Bách Thảo, mọc chi chít trên Gò Đống Đa. Trên Gò quả Sưa rụng trạt gốc. Quả Sưa khô đốt có mùi thối inh nên bọn trẻ như tôi khoái lắm. Thối và thơm trẻ con đều khoái như nhau. Trò bậy nhất là vào lễ hội Gò, ta lén thả được vài quả Sưa vào mẻ than hồng nướng ngô của mấy bà già kém mắt. Càng quạt than càng đượm, quả thối càng bốc mùi. Hê hê, ta ung dung đứng sau gốc Sưa, ngậm kẹo mút và phấn khích quan sát nhân tình, thế thái. Bà con ngẩn người, khịt mũi, còn các thiếu nữ thì cười ré và chạy tán loạn. Sau này chị tôi bảo không chạy để cho mùi nó vận vào người thì còn gì là thiếu nữ trong trắng! Chị tôi mất sớm. Đôi khi nhớ chị, tôi nhớ đến Sưa để còn có tâm trạng vui vui khi nhớ về người đã khuất.


Gạt tàn gỗ Sưa cạnh Vẹo Rồng và Tào Lao Gà
      Ngược với hoa Sữa, quả Sưa thối ngửi lâu thành…thơm. Mùa đông, đám trẻ chúng tôi có thể chơi cả ngày với mấy cái ống bơ đốt quả thối. Để giữ cho than đượm, chốc chốc lại phải quay ống bơ và chụm miệng thổi lửa. Nhờ có Sưa thối mà một thằng còm cõi, thò lò mũi xanh như tôi lại được bọn con gái trong xóm để mắt. Thực ra chúng thích được chơi với mấy thằng đẹp trai, cao lớn ngoài phố hơn nhưng sợ bị gán gép nên chúng đành chọn tôi, một thằng dễ bày trò vui, làm bạn! Ngày đó đâu có học hành tối ngày như bây giờ. Mấy việc lẻ tẻ như giữ nhà, trông em, xách nước có đáng gì nên thời gian lang thang lêu lổng thật nhiều. Chán lò than chúng tôi quay sang chơi đuổi bắt, đánh quay, nhẩy ngựa. Tôi khoái nhất trò nhảy ngựa. Chạy đà thật dài rồi nhảy phóc lên lưng bọn con gái. Tuy dốt đủ thứ nhưng được cái tôi giỏi món “Oản tù tì” nên nhiều khi được ngồi cả tiếng đồng hồ trên lưng mấy đứa xinh nhất phố. Nhìn tôi, nhiều thằng đẹp trai từng thèm rỏ dãi.
Khay gỗ Sưa bị nghi gốc Xà Cừ
     Nay thì cây Sưa đỏ đã trở nên nổi danh và đắt đến không tưởng. Thứ gì, dù là móng trâu bò, tóc rối, chó cảnh hay trẻ con, phụ nữ …hễ cứ bên kia biên giới có động là bên ta rối loạn. Nghe nói cự phú người Tàu dùng gỗ Sưa làm quách, rồi thì làm đồ thờ cúng, lấy tinh dầu chữa bệnh hiểm…nên Sưa bị săn lùng và ngày càng hiếm. Ở Hà Nội, có nơi đêm đến trộm buộc cửa nhà cả dãy phố để tha hồ cưa chặt Sưa vệ đường. Nhiều vùng có Sưa, dân chúng phải lập cả đội tự vệ canh gác ngày đêm như canh giữ yếu nhân. Hà nội hiện có 720 cây Sưa. Chính xác hơn đến sáng nay chỉ còn 719 cây vì đêm qua trộm đã ngang nhiên cưa mất một Sưa lớn ở Phố Phan Kế Bính, trước cửa nhà ông bạn bia của tôi. Còn gì buồn hơn đối với một thành phố nghìn tuổi khi mà từ cái nắp cống đến một gốc cây cũng cần có xiềng xích xủng xoẻng đi kèm.

     Cũng lại nghe nói, vì biết dân ta hay a dua, thích tích trữ nên các nhà buôn Tàu đã thu mua Sưa giá thật cao nhưng rồi lại tuồn Sưa về Việt với giá siêu cao. Nạn nhân của chiêu kinh doanh cổ điển này nghìn năm nay vẫn là người Việt.

     Do thỉnh thoảng giới thiệu khách mua hàng nên tôi được cô chủ hiệu đồ gỗ Bắc Hà tặng cho cái gạt tàn thuốc lá khá đẹp. Cô bảo nó được làm từ gỗ Huỳnh Đàn Đỏ, thứ gỗ quý mua bán theo cân lạng. Bỏ thuốc lá đã lâu nên món quà dần bị lãng quên và sau vài lần sửa nhà thì nó đã nằm đâu đó ngoài vườn. Khi gỗ Sưa trở lên đình đám, tôi mới biết Huỳnh Đàn Đỏ chính là Sưa và cũng chính là Huê là Trắc Thối. Chiếc gạt tàn bị hắt hủi lập tức chạy thẳng một cách hãnh diện từ vườn lên tủ. Cũng lạ, cái gạt tàn dãi dầu mưa nắng có dễ đến 5, 6 năm thế mà khi rửa sạch, lau khô nó vẫn nuột nà như ngày nào. Vân gỗ cuồn cuộn xoắn xuýt trên nền gỗ nâu đỏ thật tuyệt.

     Ỏ Hà Nội, các cửa hiệu đồ gỗ giờ chỉ dành cho giới nhà giàu và đặc biệt trở thành điểm thăm quan số một của dân du lịch Trung Quốc. Cũng đúng thôi, đất nước Trung Hoa cổ kính 5000 năm, đóng tàu, đóng bè, chiến tranh lửa khói liên miên cây lấy gỗ sao kịp mọc.

     Dịp sang Luanbrabang bên Lào tôi thấy trong cửa hàng lưu niệm có bày một khay đựng hoa quả thật đẹp. Tra từ điển thấy Dalbergia tonkinesis là Huỳnh đàn Đỏ! Sưa chứ còn gì nữa. Vui quá! Về Hà Nội, cái khay được để ở chỗ trang trọng trong nhà. Ông em kiến trúc sư thạo gỗ vào chơi bảo rằng bác kiếm đâu ra cái khay gốc Xà Cừ đẹp thế. Xà cừ à? Tốt thôi! Xà Cừ hay Sưa đều là gỗ đẹp. Gỗ là hơn đứt khay nhựa, khay inoc rồi!

     10 năm tôi mới có dịp dự hội Gò Đống Đa. Không nặn “tò he”, không mùi quả thối, hội có vẻ kém hương vị xưa. Dời sân thể dục nhịp điệu, bóng chuyền, tôi bâng khuâng leo Gò mong tìm lại những gốc Sưa. Ngôi đền cổ sau Gò đã biến mất nhưng loáng thoáng Sưa vẫn còn đó. Tôi nhận ra cây Sưa mà tôi hay nấp hồi nhỏ. Gò giờ hao hao giống một đồi cây trồng khoán. Thoảng chút buồn. Nửa thế kỷ rồi còn gì. Chợt hiện về gương mặt những người bạn, làn khói bay và mùi quả Sưa. Nhặt ít quả Sưa khô, tôi lặng lẽ xuống Gò…

      Nhưng rồi tôi phân vân lắm. Biết làm gì với mớ quả thối bây giờ? Chẳng nhẽ lại đem đốt trong cái khu tập thể chật như hũ nút này? Hay ta mang đến đâu đó đốt cho có chuyện vui? Để rõ là ta đang viết về Sưa? Rồi tôi chợt nhớ ra ngày mai con gái tôi đi cắm trại. Tôi gợi ý cháu mang Sưa đốt ở đám lửa trại! Biết đâu bọn trẻ sẽ phấn khích giống tôi và lũ bạn ngày nào. Và cũng biết đâu nhờ vậy chúng tạm quên đi máy tính, điện thoại và những cơn ác mộng học hành.
                                                                                    Đỗ Huân 
                                                                                                               Tháng Giêng, Tân Mão - Hội Gò Đống Đa