Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

HÀ NỘI CÂY LẠI ĐỔ...

Thứ 6, 17.8.2012 tức ngày Mồng 1 Tháng 7 Âm - Ngày bi thương với cây Hà Nội.

 Bay từ Ban Mê Thuật về gần Nội Bài thấy thông báo không thể hạ cánh vì trời giông, chớp giật quanh Hà Nội. Chưa khi nào gặp cảnh máy bay hụt hẫng, chồi lên, nhao xuống đến 20 phút lòng vòng ngoài Hà Nội. Chỉ nghĩ có giông to, biết đâu bão Kai-Tak. Rồi trong taxi thấy đài VOV Giao thông liên tiếp báo cây đổ, tắc đường khắp phố phường, có cả người chết. 7 giờ sớm nay, xe máy quanh phố, kinh hãi thấy 30 phút mưa, ngập, lốc xoáy đêm qua đã khiến cho cây Hà Nội ra đi có lẽ còn nhiều hơn 30 năm chiến tranh.

Cây Đa đối diện Chùa Quán Sứ
Xà Cừ trên đường Lý Thường Kiệt. Phố này có 3 cây lớn đổ
Một Xà Cừ khác ở Hai Bà Trưng...

...bịt lối vào tòa nhà.
Phố Thái Phiên ...gợi lại ký ức chiến tranh: đổ nát, hoàng tàn sau oanh tạc...


Cây Sấu non đường Trần Hưng Đạo (?)...

...Cây Bàng tuổi teen phố Bà Triệu ...
và Bằng Lăng sau vụ hoa đầu tiên phố Triệu Việt Vương (?)
Những cây non, bánh tẻ chưa kịp bén duyên với Hà Nội
như thế này gãy, đổ nhiều vô kể...

Biển cấm phố Ngô Thời Nhậm (?) hôm nay ...
...thật không cần thiết...
Khẩu hiệu "Tinh thần cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 muôn năm" còn đó
nhưng cây Phượng trẻ thơ Hà Nội thì đã chết từ  đêm qua!!!
Phố  Lê Văn Hưu quên lối về...
Đầu phố Lò Đúc...dân tình uống cà phê bên một cụ không gượng dậy đêm qua.
Vết tích một cụ Xà Cừ khổng lồ ra đi trên phố Lò Đúc...
Chỉ còn chơ lại gốc...
Phố Nguyễn Du: cây tung rễ, đèn tín hiệu, nắp cống, dây điện...
như cảnh động đất Nhật Bản
Phần thân thể còn lại của một Cụ...chưa kịp mang đi
(Công nhân Công ty cây xanh có vẻ phấn khích - một ngày thu hoạch  to chăng?)
Ai cũng  bùi ngùi nhìn lần cuối...
Còn rất nhiều cây gãy đổ khắp nơi...không thể đến ghi lại ảnh....
Lúc này ở đâu đó người ta đang quyết liệt  và sâu sắc kiểm điểm về điều hành đất nước, về thất thoát...nên cây Hà Nội đổ chắc có đáng gì!
Hà Nội không cây thì chỉ còn là một bãi rác...chưa phân loại!
Thắp một nén hương to...
Hà Nội vĩnh biệt cây...

Photo, phóng sự và làm chứng bởi Đỗ Huân - 
Gà viết sách Gà
(Một bác xe ôm chụp hộ)


(Một cậu thợ điện chụp hộ)

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

CHẾT LÀ HẾT...


Không hẳn! Ở Hà Nội chết có thể là hết với người chết nhưng chưa hẳn hết với người sống…  
"Trần như nhộng" - Chợ quê Bái Ân, Tây Hồ, Hà Nôi

  Ngài là quan to và bởi vậy đương nhiên giàu. Rất giàu. Con cái được nhờ danh tiếng và bổng lộc của ngài. Thế nhưng dù ta có hô lạc giọng trong các buổi mít ting xưng niệm thì cũng làm gì có "muôn năm" trên đời. Bằng chứng là hôm nay ngài chết. Vua còn băng hà thì việc ngài quy tiên cũng là lẽ thường trời đất. Có điều, con cái ngài không muốn chết là hết vì đơn giản chúng còn đang sống. Chúng bảo: “Cha ta cả đời cực khổ, luôn phải làm như liêm chính và nghèo khó: áo vá vai, nhà công vụ, hưu rồi mà đến cái biệt thự lính canh to đùng sát Dâm Đàn cũng không thể ở… Thiên hạ đàm tiếu càng giàu, cha ta lại càng có vẻ bần hàn và kháo rằng đó là điềm gở với lũ con của Người. Thiên hạ có lý! Nghèo và giả nghèo thời nay ai trọng...Rồi thiên hạ phải mở mắt ra”. Các con ngài bàn bạc kỹ càng rồi lặn lội tận Hoàng Su Phì chót vót Hà Giang tậu bằng được cỗ quan tài nguyên khối gỗ Ngọc Am, thứ gỗ huyền thoại siêu quý chỉ dành cho vua chúa ngày xưa. Được quàn bằng Ngọc Am, cả trăm năm sau ngọc thể vẫn nguyên vẹn thơm tho.
Rồi cỗ quan tài được trầm hùng chở tới nhà tang lễ phố Phùng. Nó vàng óng sáp ong, vân xoắn xuýt miên man, tỏa hương thơm ngát. Dân Hà Nội vốn mê sảng những thứ thần quyền ngoại hạng nên đông nghịt tới chiêm ngưỡng báu vật 20 năm mới xuất hiện. Họ rỉ tai nhau về người quá cố và nhân thân của ngài. Nhiều kẻ trầm trồ: “Thế chứ! Thế mới là vương giả!”. Họ nhìn con cái ngài ngưỡng mộ lắm lắm.
Lẫn trong đám chiêm ngưỡng quan tài có đứa trẻ thiểu năng…30 tuổi . Tuổi cậu xấp xỉ tuổi nước nhà thống nhất. Người nhẹ dạ bảo cậu bị dính Da Cam còn người từng trải bảo cậu không được đỡ và chăm sóc cẩn thận lúc chào đời. To xác ngây ngô, cậu không những chẳng giận ai bao giờ mà còn luôn cười. Qua đường còi xe inh ỏi, cậu chỉ nhìn trời mà cười. Bị chọc giận đổ nước bẩn lên đầu cậu cũng cười. Nhà gần khu tang lễ, ngày tha thẩn ngó nghiêng cười người ta than khóc còn đêm cậu thích nằm nghiêm trang trong những chiếc quan tài rỗng và ngủ lại đó tới sáng. Những chiếc quan tài là thế giới riêng của cậu. Người ta từng ngăn cậu vào đó nhưng rồi thấy không ai biết trò nghịch ngợm vô hại này nên thương cậu để yên. 20 năm nay nào có chuyện gì đâu.
Nhưng đến sáng nay thì to chuyện. Khi con cái ngài cùng thầy cúng mở nắp quan định xong nốt mấy phần hậu sự thì thấy đứa trẻ to xác đã chết cứng bên trong. Cậu chết với khuôn mặt cười. Người thì bảo khác với thứ dành cho dân dã lìu tìu, cỗ quan tài Ngọc Am quá chuẩn và nặng để táy máy nên khi đậy nắp, cậu bé cười sập chốt và không thể mở ra. Cũng có người lại bảo số trời nó vậy. Khi mà từ mờ sáng tới đêm khuya cậu cứ phải lang thang cười hoài với cuộc đời thì có lẽ sâu sa cậu đã mệt nhoài và mong được giải thoát. Vào đêm qua, một chiếc quan tài đẹp khác thường với hương thơm quyến rũ hình như níu kéo cậu ở lại mãi với thế giới của mình. Bằng chứng là nụ cười của cậu khi chết không có vẻ ngây ngô thường ngày. Mọi người bảo: “Số thằng ấy thế mà hên!”.
Chỉ tiếc cho con cái ngài, sát giờ tang lễ, không kịp trở tay, chúng đành mua vội cái quan tài thảo dân, gỗ gần như tạp, vecni sơ sài loang lổ, khe hở ngang dọc đút vừa ngón tay.
Kẻ bảo: “Nhà giàu mà sao khổ nhục?!
Kẻ lại bảo: “Con cái nhà này chắc làm theo di chúc của cha, không điếu phúng linh đình

Còn phần lớn thì buông lời: "Gì phải lăn tăn. Chết là hết!"
                                                                                                                 TaoLaoGa