Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

* KỲ NAM - VƯƠNG QUẾ

"Tào Lao Gà" pdf tải miễn phí Tại đây

Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai hiện bán tại Nhà sách 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ  (Hà Nội)
và Nhà sách 104 Nguyễn Văn Cừ (HCMC)

Tôi đến thăm anh bạn nhân dịp đầu xuân. Tào lao đủ chuyện nhưng rồi giống mọi lần, chúng tôi lại quay về với thuốc thang, chữa bệnh vốn là đề tài ưa thích của bạn tôi, người có mấy chục năm tận tụy với nghề kê đơn bốc thuốc. Anh kể:
Cách đây nửa năm bạn bè báo tin có nhân vật đặc biệt ở Hà Nội được biếu một đôi Quế hiếm. Mỗi thanh Quế dài gần mét, bản to cả tấc và dày cỡ ba phân. Kích thước khác thường chứng tỏ Quế từng ngự trên một thân cây khổng lồ. Anh bảo chỉ có phép màu của núi rừng hiểm trở mới giữ được cây quí đến tận ngày nay. Vùng đất biếu Quế là nơi phát tiết của mấy đời đế vương. Từ xa xưa, nơi đây đã có truyền thống cống tiến vua chúa các sản vật thiên nhiên quí giá. Quế cống tiến được chia thành “Quan Quế” và “Vương Quế”. Trong cung, Vương Quế được bảo trọng hơn cả ngọc ngà, châu báu và chỉ Ngự Y mới được phép dùng để chữa bệnh cho vua và hoàng thân. Vì hiếm, không thể làm giả và có khả năng chữa bệnh thần kỳ nên nhiều người tin rằng Vương Quế con quí hơn cả sừng Tê Giác. Không mất công như sừng Tê, Vương Quế chỉ cần mài lướt với nước đã có thể chữa mọi chứng đau bụng và trị bách bệnh hiểm nghèo.
Hay tin Vương Quế đến Hà Nội bạn tôi rất đỗi vui mừng. Anh bảo đôi Quế biếu thuộc hàng Vương Quế đặc biệt.  Rồi lại bảo: “Vương Quế còn, Hy vọng còn”.
Qua bạn bè, anh nhắn tin và xin trả 30 cây vàng cho Vương Quế. “Tôi định nếu người ta đòi giá cao hơn tôi cũng sẽ cố thu xếp. Tiếc thay! Khi đến nơi mới biết bà vợ của người được biếu đã quẳng Vương Quế vào thùng rác. Tôi đoán những lời nhắn của người biếu đã không đến tai bà. Dưới con mắt bà, trong đống cơ man quà biếu, đôi Vương Quế hẳn giống như hai thanh củi khô bà từng đun nấu ở quê. Tôi thẫn người thất vọng. Vì đắm đuối, tôi đã theo mấy xe rác ra tận bãi thải ngoại thành mong tìm lại thần dược. Trước mênh mông biển rác xú uế với cả ngàn vạn túi ni lon phất phơ và xe ủi gầm rú, tôi hiểu Vương Quế đã mãi ra đi”.
Thấy tôi ngẩn người tiếc Quế, anh bạn tôi như bừng tỉnh:
-   Quế quế, chi chi, chuyện qua rồi, thôi quên đi! Rồi anh hào hứng - Năm mới tôi mời ông ly rượu. Rượu này có một không hai trên thế giới!
-   Chắc Ballantine, chai sứ cổ rụt, 38 năm? – Tôi đùa đọc phứa tên loại rượu dân tình chém gió ngoài quán.
-   Không phải 38 năm mà ông sắp uống rượu 1000 năm!
Tôi phì cười:
-   Công nhận “nổ” là một phẩm chất cần và quí của các thầy lang Việt!
-   Không tin hả?! Ông chắc biết Kỳ Nam?
-   Nghe nói còn quí hơn cả Trầm Hương.
-   Đúng vậy! Trầm và Kỳ chỉ tuyệt đỉnh trên thân cây Gió Bầu. 1000 cây may ra có cây có Trầm, 10.000 cây, may ra có Kỳ. Để thành Trầm hảo hạng cần tối thiểu 50 năm, còn để thành Kỳ thì cần hàng trăm có khi cả nghìn năm. Kỳ, Trầm là nguyên liệu cực quí cho mỹ phẩm và dược phẩm. Riêng Kỳ Nam còn đặc trị các chứng phong đàm, đuổi tà khí, tác dụng giáng khí nạp thận, bình can, tráng nguyên dương. Kỳ chỉ đeo vào mình đã công dụng, hiệu nghiệm như thần. Nếu 30 lạng vàng một cân Trầm Hương thì Kỳ Nam đắt 30 lần hơn thế. Một ổ Kỳ Nam có giá vài chục tỷ đồng là vậy. Có người cả đời lặn lội tìm kiếm mà không gặp Kỳ. Kỳ Nam gần với truyền thuyết. Nó cũng gần luôn với không tưởng.
-   Rõ là ông sắp cho tôi uống rượu Kỳ Nam “không tưởng”? – Tôi bắt đầu sốt ruột.
-   Còn hơn thế! Ông chịu khó nghe tôi kể nốt. Sau lần để vuột mất Vương Quế, tôi thành quen mấy nhân vật trung gian. Tháng trước lại có tỉnh xa xôi phía Nam mang biếu ai đó ngoài Hà Nội một ổ Kỳ Nam nguyên bản, Kỳ Nam còn ngự trên thân Gió Bầu. Tuy nhiên, người được biếu có ý chê người biếu cẩu thả đã “để rác rưởi lẫn Kỳ”.
-   Chắc Kỳ lại bị vứt thùng rác? Tôi thở dài.
-   Không! Lần này là bà vợ khác. Bà này chẳng vứt gì bao giờ, vì vậy, tôi được gọi đến giúp dọn dẹp cho vật biếu tinh tươm. Tôi đã không tin vào mắt mình khi thấy một khối Kỳ Nam thuộc loại Nhất Bạch* tỏa hương thơm ngào ngạt. Mấy chục năm làm thuốc, bản thân tôi mới đôi lần được nhìn chứ chưa từng được sờ vào Nhất Bạch Kỳ Nam. Rồi thật ngạc nhiên và may mắn là trong đống “rác rưởi” bám theo khối Kỳ Nam có nguyên một tổ Ong Mật. Ông thử hình dung, Ong Mật và Kỳ Nam nghìn tuổi cùng nương trong thân Gió Bầu cổ thụ! Cổ tích đến thế là cùng! Bộ sáp ong ở trước mặt ông đây này – Vừa nói bạn tôi vừa lấy trên giá xuống bình rượu nhỏ bên trong im lìm một tổ ong vàng óng. Anh lặng lẽ rót rượu, dáng vẻ cực kỳ trịnh trọng.
-   Hê hê, sáp ong mật thì có gì đặc biệt? Chắc  không Quế, không Kỳ ông đành tự an ủi bằng ong bướm chứ gì?! Nhẽ nào lợn ngủ cạnh Sâm Cao Ly thì thịt cũng sẽ bổ như sâm?! – Tôi đùa bạn.
-   Ông đúng là…chỉ đáng viết mấy thứ tào lao. Cái ví dụ “ngủ cạnh” của ông cọc cạch chẳng ăn nhập gì – Bạn tôi hứng khởi - Đây hoàn toàn khác nhé, giữa thiên nhiên hoang sơ mây ngàn gió núi, Ong Mật, Kỳ Nam, Gió Bầu nương tựa, bền bỉ giao hòa tinh túy đất trời … Thôi ta uống nhỉ?!
Chúng tôi nâng chén nhâm nhi thứ rượu vàng nhạt thoang thoảng vị mật, kỳ nam, hoa cỏ. Quả có gì đó khang khác... Không! Khác lắm!
-   Hỏi thật ông, Vương Quế và Kỳ Nam thứ nào quí hơn? Sau hai chén rượu sóng sánh, đầu óc tôi bắt đầu mấp máy.
-   Ông hỏi khó rồi! Làm sao có thể so sánh hai món quà tuyệt đỉnh và vô giá của tạo hóa. Giá như tôi có cơ duyên được dùng chúng để chữa bệnh…– Bạn tôi bỗng ưu tư - Thôi, hãy quên đi những gì không bao giờ thuộc về ta. Cái đáng kể thuộc về ta lúc này chắc là thứ “rác rưởi” này đây– Nói rồi bạn tôi cầm bình rượu run run rót.
Chúng tôi chia tay vào khoảng nửa đêm sau khi uống vợi cả bình rượu “Nghìn năm”. Trong tiết trời giá lạnh, lất phất mưa bay, sóng nước lấp loáng, tôi gò lưng trên chiếc xe đạp và “bay” lâng lâng qua nửa vòng Hồ Tây trở về nhà. Những âm hưởng, hình hài và hương say của Vương Quế, Trầm Hương, Kỳ Nam, Ong Mật… cứ dạt dào, lao xao theo tôi trên đường.

*”Nhất Bạch” là hạng phân loại của Kỳ Nam theo thứ tự “Nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”
Đỗ Huân
Gà viết sách Gà