Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

THẦN CÂY TÔI GẶP...

"Tào Lao Gà" pdf tải miễn phí Tại đây

Tào Lao Gà, Vẹo Rồng, Ông Ve Chai hiện bán tại Nhà sách 44 Tràng Tiền, 5 Đinh Lễ  (Hà Nội)
và Nhà sách 104 Nguyễn Văn Cừ (HCMC)

Thần cây...Những gì Bắc Bộ đồng bằng...
                                                                                                                                              Photo: Đỗ Huân

Khi nghìn tuổi cây trở thành thần.
Còn hơn cả viếng chùa thiêng, nơi thường quá nhiều truyền thuyết, khi đứng dưới bóng cây thần, ta luôn có một cảm giác thật đặc biệt. Cảm giác vừa hiện hữu vừa lung linh.
500, 700, 1000 năm tuổi mà nay còn tỏa bóng, các thần cây đã sẵn quyền năng trong mình. Quyền năng của tạo hóa. Quyền năng của lịch sử.
Tôi đã được gặp một vài vị thần như vậy.

Cây Đa Ngô Quyền tự tay trồng trước đền thờ
Hai Bà Trưng ở Cổ Loa (chụp 1997)
Đây là Cây đa Đền Hai Bà Trưng, tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền là cây do Ngô Quyền tự tay trồng trước Đền thờ Hai Bà. Tôi đã hai lần thăm Cổ Loa và cả hai lần đều run rẩy dưới bóng cây thần. Run rẩy vì trước mắt mình hiển hiện mối tâm giao nghì năm của Vua Bà và Vua Ông, hai vị Vua lừng lẫy nhất lịch sử Đại Việt.
Hai lần viếng thăm cách nhau có 5 năm. Lần đầu (khoảng 1992) cây còn xanh tốt, tiếc không có máy ảnh mang theo, nhưng đến lần hai (khoảng 1997) thì thần cây còn như trong ảnh.
Bổn phận của các thần dân là cung kính các vị thần. Thế nhưng ở Cổ Loa thì không. Họ tuy không báng bổ nhưng lại hờ hững và cẩu thả với các thần. Cây đã bị các lò gạch quanh vùng làm cho tàn tạ. Thần dân tham lợi, kém hiểu biết, chính quyền thì hình thức ầm ừ. Đến khi nhận ra, chữa chạy (trong ảnh còn nhìn thấy cột bê tông đỡ) thì đã muộn. Thần đã ra đi sau đó vài năm bỏ lại đám người bận bịu ồn ã các dự án, hồ sơ bảo vệ di sản…

Tôi tự hỏi, phải chăng thần cây do Ngô Quyền trồng tưởng nhớ Hai Bà Trưng không hẳn là di sản đối với họ?!

Cây Chò Chỉ rừng Cúc Phương. Ống kính còi nên chỉ chụp được 
một phần gốc (Chụp 2001)
Còn đây là một phần gốc Cây Chò Chỉ rừng Cúc Phương. Cây chụp năm 2001. Hồi đó Cúc Phương mới mở du lịch, còn nghiêm chỉnh, phải đi quanh co xuyên rừng cả tiếng mới gặp được Thần. Dọc đường vô vàn cây lớn nhưng khi gặp Thần ta bỗng có cảm giác phi thường, chóang ngợp. Choáng ngợp gặp chủ soái của rừng. Gốc thần đủ chỗ cho cả đám người ôm. Ta như sống lại cảm giác đứng dưới chân tháp truyền hình Ostankino ở Moscow năm nào. Chỉ khác, tháp truyền hình bê tông xám xịt còn thần cây sừng sững giữa đại ngàn xanh rì rào. Còn nghe lao xao đám trẻ tuổi teen cười đùa hồn nhiên  dưới gốc cây thần năm nào. Giờ này chắc chúng đã trưởng thành?

Bụi Ruối Làng Đường Lâm, đất "Hai Vua" - Bố Cái Đại Vương
và Ngô Quyền (Ảnh chụp 2007)
Ảnh bên ghi lại một vài cây trong mấy chục cây Duối cổ chụp năm 2007 ở làng Đường Lâm, Sơn Tây - “Đất Hai Vua”. Dã sử ghi nhận Ngô Quyền đã từng buộc voi, ngựa tại đây. Hàng Duối xanh đậm, cổ kính, thân hình sù sì khác thường chạy dài ven con sông nhỏ. Đứng dưới tán cây xum xuê ta không khỏi tưởng nhớ tới Vị Vua đã cưỡi thuyền dẫn quân, cắm cọc, đánh tan quân Nam Hán năm xưa.
Khác với dân chúng Cổ Loa, các thần dân nơi đây nâng niu rặng Duối Thần. Khi xe chúng tôi tới đỗ dưới tán cây, có một đám trai làng đi theo. Họ không làm gì căng thẳng nhưng dễ nhận ra họ cảnh giác trông chừng. Sau mới biết, theo hương ước, họ là con cháu làng tình nguyện bảo vệ thần cây.

Hai Cây Duối cổ bên dưới chụp cách đây hơn tháng tại Làng Trần Xá, Nam Sách, Hải Dương. Địa danh “Trần Xã” đã từng được ghi trong “Đại Việt Sử ký” về nơi Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn họp với tướng lĩnh bàn kế dẹp xâm lược Tống tại bến Bình Than. 
Hai cây Duối cổ Làng Trần Xá, Nam Sách, Hải Dương (Chụp Tháng 9,2012)
Tôi đã lang thang ở vùng Lục Đầu Giang này nhiều lần cốt để tìm hiểu đâu thực sự là bến Bình Than, câu trả lời mà bao nhà sử học có máu mặt đã đến ăn cơm chém gió nhiều lần vùng này vẫn chưa giải đáp được. Đương nhiên, lìu tìu như tôi sao luận nổi. Tuy nhiên, cũng vì đi đây đó mà tôi được biết thêm nhiều điều, biết về Thần cây, nơi truyền rằng Tướng sỹ của Trần Hưng Đạo đã từng ngả lưng, buộc ngựa. Không rõ hư thực đến đâu (vì cả cái bến to đùng còn không tìm ra), nhưng tôi nhận thấy dân chúng khắp vùng đều biết danh hai Thần Duối và lời lẽ họ dành cho các Thần vô cùng cung kính.
Vào buổi chiều tà, tôi đã vượt sông tới đây, tiếp kiến hai vị Thần và thắp một nén hương…

Một đất nước cần được phù hộ bởi các vị thần. Các Thần Cây là các vị thần hồn nhiên và khả kính nhất.


                                                    Đỗ Huân - Gà viết sách Gà