Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

* KHI GÀ ĐẶT TÊN

 Sách "Tào Lao Gà" tải miễn phí Tại đây         

1.
Thật không may cho Hãng hàng không Indochina Airlines sau 3 năm lay lắt tồn tại (2008-2011) nay bị rút giấy phép bay. Bay lượn được gần một năm máy bay của Hãng giờ phải đắp chiếu chờ. Ngoài không suôn sẻ chuyện xăng dầu, lương lậu, quản lý, Hãng còn không may cả chuyện đặt tên khai sinh của mình. Trước khi có cái tên Indochina hoành tráng, Hãng đã đăng ký tên Speed Up Airlines với cái nghĩa “Tăng Tốc” đầy khí thế, vừa mạnh mẽ vừa thách thức. Tuy nhiên vấn đề không may không hẳn chỉ vì, như mọi người đều biết, Tăng Tốc viết không dấu là Tang Toc báo điềm gở “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” mà về nghĩa Tiếng Anh cũng có vấn đề. Vấn đề ở chỗ là dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng việc lấy bay “nhanh”, bay “gấp”, bay “khẩn trương” hay bay “hối hả” để đặt tên cho một một hãng hàng không thì nó không chỉ thể hiện tầm nhìn hạn chế, nặng sự vụ, kỹ thuật mà nó còn không phản ánh một xu thế chính của hàng không hiện đại đó là bay an toàn, bay chắc chắn và bay thân thiện. Nên nhớ rằng sau hàng loạt các thảm họa hàng không, đặc biệt sau vụ 11/9 trên thế giới câu chúc phổ biến nhất dành cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp sắp bay lượn trên trời đó là “A safe flight! /Chúc chuyến bay an toàn”!

2.
Ở Hà Nội, đối diện Gà Hà Nội (Ga Hàng Cỏ) trên Phố Trần Hưng Đạo (Thời Pháp gọi là Boulevard Gambetta)Khách sạn Ga. Khách sạn này được Công ty Khách sạn Hà Nội quản lý có dịch vụ ổn, giá cả bình dân nên luôn là địa chỉ được các khách tầm tầm khắp Miền Bắc quan tâm, nhất là những khách đi tàu hỏa. Sau ngày thống nhất đất nước hệ thống khách sạn nhà nước được quy hoạch lại. Khách sạn Ga đổi tên thành Khách sạn 30/4.



Khách sạn 30 Tháng 4 cuối đường Trần Hưng Đạo, đối diện Ga Hàng Cỏ, đang xây lại
 


Giàn dáo dựng bằng tre. Không rõ xây xong sẽ mang tên gì


Điều lạ là khách sạn được mở rộng, thêm nhiều dịch vụ nhưng lượng khách không vì thế nhiều lên mà lại có phần thưa thớt đi. Có nhiều lý do khiến khách sạn thiếu hấp dẫn (sự lựa chọn khách sạn của khách thập phương nhiều lên, dịch vụ có vấn đề v.v.) nhưng cũng có thể cái tên mới của khách sạn thực tế đã tự hạn chế một lượng khách Miền Nam ra Hà Nội. Tôi không phỏng đoán điều này mà đã có kinh nghiệm qua vài trường hợp khách có tuổi miền Nam khi được giới thiệu khách sạn này đã từ chối, hoặc yêu cầu được đổi khách sạn. Thẳng thắn mà nói tên Khách sạn 30 Tháng 4 gợi lại quá khứ mà nhiều nguời miền Nam, do những hoàn cảnh, quan niệm khác nhau, không muốn nhắc tới. Tôi không bình luận về việc lòng người không phải lúc nào cũng dễ đổi thay, tôi chỉ nghĩ rằng khi đặt tên khách sạn có thể những người quản lý đã quá say sưa về phương diện tinh thần, vinh quang quá khứ mà quên để tâm về phương diện kinh doanh sinh lời.

3.
Việc đổi tên các thành phố trên thế giới thông thường gắn với sự thay đổi triều đại hoặc là kết quả của các cuộc cách mạng.  Hà Nội từng có tên Thăng Long Từ 1010 thời Lý Công Uẩn và một thời gian ngắn 33 năm (1397-1430) có tên Đông đô dưới thời Trần Phế Đế trước khi có tên như ngày nay vào năm 1888 tời Pháp thuộc.

Sài Gòn năm 1976 được Quốc hội Việt Nam đổi tên thành Hồ Chí Minh. Việc đổi tên được quyết định với công bố là “Theo nguyện vọng của đồng bào miền Nam, nhân dân Sài Gòn”. Việc đổi tên này ngoài kéo theo nhiều thay đổi về tên phố, tên phường còn dẫn tới những thay đổi đáng kể khác. Một loạt các bản đồ thế giới phải in lại. Còn nhớ khi tham gia một dự án thực hiện hải đồ điện tử, tôi đã biết sự phiền toái và tốn kém ra sao khi phải đính chính, bổ sung Cảng Sài Gòn không còn trùng tên với chính thành phố Sài Gòn mà lại nằm trong thành phố HCMC. Sự tốn kém và phiền toái này chắc xảy ra với toàn ngành hàng hải Quốc tế (bản đồ, giao dịch, thông tin hàng hải…)

Thành phố Xanh Pê-téc-bua (Sankt-Peterburg), cố đô nước Nga bên dòng sông Neva, qua nhiều thế kỉ, tên của thành phố cũng bị thay đổi nhiều lần, Sankt Peterburh,  Petrograd (Thành phố của Thánh Phê rô) sau cách mạng vô sản 1017 đổi tên thành Leningrad (lấy tên Lãnh tụ vô sản Lê Nin). Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã tổ chức trưng cầu dân ý và thành phố được trả lại tên ban đầu.

Ở xứ ta chắc rồi cũng có lúc người ta buộc phải trưng cầu dân ý về việc đặt tên thành phố, công viên, đường phố. Hy vọng Hà Nội sẽ có tên phố Trịnh Văn Bô….

Viết bài này mới thấy “Sát thủ đầu mưng mủ” là tên do dân gian đặt có vẻ chuẩn vì đã hội đủ đầy đủ cả âm, hình lẫn nghĩa. Âm “ủ” nghe không chỉ vần mà còn vang. Về nghĩa thì đầu “bã đậu” hoặc “có sỏi” đã là kinh đến “mưng mủ” thì tột đỉnh ghê rợn. Âm và nghĩa sống động đã tạo nên hình một sát thủ “trứ danh” hiển hiện và khác biệt.

12.2011
Huân (Gà viết sách Gà)