Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

* SƯA


 
     Ngày xưa mấy ai để ý đến Sưa. Cây Sưa lác đác mọc dọc vài con phố, mọc ở núi Nùng Bách Thảo, mọc chi chít trên Gò Đống Đa. Trên Gò quả Sưa rụng trạt gốc. Quả Sưa khô đốt có mùi thối inh nên bọn trẻ như tôi khoái lắm. Thối và thơm trẻ con đều khoái như nhau. Trò bậy nhất là vào lễ hội Gò, ta lén thả được vài quả Sưa vào mẻ than hồng nướng ngô của mấy bà già kém mắt. Càng quạt than càng đượm, quả thối càng bốc mùi. Hê hê, ta ung dung đứng sau gốc Sưa, ngậm kẹo mút và phấn khích quan sát nhân tình, thế thái. Bà con ngẩn người, khịt mũi, còn các thiếu nữ thì cười ré và chạy tán loạn. Sau này chị tôi bảo không chạy để cho mùi nó vận vào người thì còn gì là thiếu nữ trong trắng! Chị tôi mất sớm. Đôi khi nhớ chị, tôi nhớ đến Sưa để còn có tâm trạng vui vui khi nhớ về người đã khuất.


Gạt tàn gỗ Sưa cạnh Vẹo Rồng và Tào Lao Gà
      Ngược với hoa Sữa, quả Sưa thối ngửi lâu thành…thơm. Mùa đông, đám trẻ chúng tôi có thể chơi cả ngày với mấy cái ống bơ đốt quả thối. Để giữ cho than đượm, chốc chốc lại phải quay ống bơ và chụm miệng thổi lửa. Nhờ có Sưa thối mà một thằng còm cõi, thò lò mũi xanh như tôi lại được bọn con gái trong xóm để mắt. Thực ra chúng thích được chơi với mấy thằng đẹp trai, cao lớn ngoài phố hơn nhưng sợ bị gán gép nên chúng đành chọn tôi, một thằng dễ bày trò vui, làm bạn! Ngày đó đâu có học hành tối ngày như bây giờ. Mấy việc lẻ tẻ như giữ nhà, trông em, xách nước có đáng gì nên thời gian lang thang lêu lổng thật nhiều. Chán lò than chúng tôi quay sang chơi đuổi bắt, đánh quay, nhẩy ngựa. Tôi khoái nhất trò nhảy ngựa. Chạy đà thật dài rồi nhảy phóc lên lưng bọn con gái. Tuy dốt đủ thứ nhưng được cái tôi giỏi món “Oản tù tì” nên nhiều khi được ngồi cả tiếng đồng hồ trên lưng mấy đứa xinh nhất phố. Nhìn tôi, nhiều thằng đẹp trai từng thèm rỏ dãi.
Khay gỗ Sưa bị nghi gốc Xà Cừ
     Nay thì cây Sưa đỏ đã trở nên nổi danh và đắt đến không tưởng. Thứ gì, dù là móng trâu bò, tóc rối, chó cảnh hay trẻ con, phụ nữ …hễ cứ bên kia biên giới có động là bên ta rối loạn. Nghe nói cự phú người Tàu dùng gỗ Sưa làm quách, rồi thì làm đồ thờ cúng, lấy tinh dầu chữa bệnh hiểm…nên Sưa bị săn lùng và ngày càng hiếm. Ở Hà Nội, có nơi đêm đến trộm buộc cửa nhà cả dãy phố để tha hồ cưa chặt Sưa vệ đường. Nhiều vùng có Sưa, dân chúng phải lập cả đội tự vệ canh gác ngày đêm như canh giữ yếu nhân. Hà nội hiện có 720 cây Sưa. Chính xác hơn đến sáng nay chỉ còn 719 cây vì đêm qua trộm đã ngang nhiên cưa mất một Sưa lớn ở Phố Phan Kế Bính, trước cửa nhà ông bạn bia của tôi. Còn gì buồn hơn đối với một thành phố nghìn tuổi khi mà từ cái nắp cống đến một gốc cây cũng cần có xiềng xích xủng xoẻng đi kèm.

     Cũng lại nghe nói, vì biết dân ta hay a dua, thích tích trữ nên các nhà buôn Tàu đã thu mua Sưa giá thật cao nhưng rồi lại tuồn Sưa về Việt với giá siêu cao. Nạn nhân của chiêu kinh doanh cổ điển này nghìn năm nay vẫn là người Việt.

     Do thỉnh thoảng giới thiệu khách mua hàng nên tôi được cô chủ hiệu đồ gỗ Bắc Hà tặng cho cái gạt tàn thuốc lá khá đẹp. Cô bảo nó được làm từ gỗ Huỳnh Đàn Đỏ, thứ gỗ quý mua bán theo cân lạng. Bỏ thuốc lá đã lâu nên món quà dần bị lãng quên và sau vài lần sửa nhà thì nó đã nằm đâu đó ngoài vườn. Khi gỗ Sưa trở lên đình đám, tôi mới biết Huỳnh Đàn Đỏ chính là Sưa và cũng chính là Huê là Trắc Thối. Chiếc gạt tàn bị hắt hủi lập tức chạy thẳng một cách hãnh diện từ vườn lên tủ. Cũng lạ, cái gạt tàn dãi dầu mưa nắng có dễ đến 5, 6 năm thế mà khi rửa sạch, lau khô nó vẫn nuột nà như ngày nào. Vân gỗ cuồn cuộn xoắn xuýt trên nền gỗ nâu đỏ thật tuyệt.

     Ỏ Hà Nội, các cửa hiệu đồ gỗ giờ chỉ dành cho giới nhà giàu và đặc biệt trở thành điểm thăm quan số một của dân du lịch Trung Quốc. Cũng đúng thôi, đất nước Trung Hoa cổ kính 5000 năm, đóng tàu, đóng bè, chiến tranh lửa khói liên miên cây lấy gỗ sao kịp mọc.

     Dịp sang Luanbrabang bên Lào tôi thấy trong cửa hàng lưu niệm có bày một khay đựng hoa quả thật đẹp. Tra từ điển thấy Dalbergia tonkinesis là Huỳnh đàn Đỏ! Sưa chứ còn gì nữa. Vui quá! Về Hà Nội, cái khay được để ở chỗ trang trọng trong nhà. Ông em kiến trúc sư thạo gỗ vào chơi bảo rằng bác kiếm đâu ra cái khay gốc Xà Cừ đẹp thế. Xà cừ à? Tốt thôi! Xà Cừ hay Sưa đều là gỗ đẹp. Gỗ là hơn đứt khay nhựa, khay inoc rồi!

     10 năm tôi mới có dịp dự hội Gò Đống Đa. Không nặn “tò he”, không mùi quả thối, hội có vẻ kém hương vị xưa. Dời sân thể dục nhịp điệu, bóng chuyền, tôi bâng khuâng leo Gò mong tìm lại những gốc Sưa. Ngôi đền cổ sau Gò đã biến mất nhưng loáng thoáng Sưa vẫn còn đó. Tôi nhận ra cây Sưa mà tôi hay nấp hồi nhỏ. Gò giờ hao hao giống một đồi cây trồng khoán. Thoảng chút buồn. Nửa thế kỷ rồi còn gì. Chợt hiện về gương mặt những người bạn, làn khói bay và mùi quả Sưa. Nhặt ít quả Sưa khô, tôi lặng lẽ xuống Gò…

      Nhưng rồi tôi phân vân lắm. Biết làm gì với mớ quả thối bây giờ? Chẳng nhẽ lại đem đốt trong cái khu tập thể chật như hũ nút này? Hay ta mang đến đâu đó đốt cho có chuyện vui? Để rõ là ta đang viết về Sưa? Rồi tôi chợt nhớ ra ngày mai con gái tôi đi cắm trại. Tôi gợi ý cháu mang Sưa đốt ở đám lửa trại! Biết đâu bọn trẻ sẽ phấn khích giống tôi và lũ bạn ngày nào. Và cũng biết đâu nhờ vậy chúng tạm quên đi máy tính, điện thoại và những cơn ác mộng học hành.
                                                                                    Đỗ Huân 
                                                                                                               Tháng Giêng, Tân Mão - Hội Gò Đống Đa